Phóng viên: Việc sửa đổi điều 60 Luật BHXH năm 2014 có ảnh hưởng tới Quỹ BHXH không, thưa ông?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Không bao giờ ảnh hưởng tới quỹ!
Điều 60 hết sức nhân văn, bảo đảm an sinh cho NLĐ. Tuy nhiên, khi họ đang khó khăn thì cơ quan chức năng phải giải quyết. Quan trọng là phải tuyên truyền cho NLĐ bảo lưu, đóng đủ thời hạn để về già có lương.
Cần khẳng định tiền BHXH là của để dành của NLĐ, không ai có quyền động vào, kể cả cơ quan quản lý Quỹ BHXH. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phải do cơ quan BHXH “ôm” và phải được bảo toàn, đầu tư tăng trưởng khi quỹ nhàn rỗi. Suy nghĩ đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng.
NLĐ muốn nhận BHXH một lần là do thị trường lao động chưa ổn định, theo ông, điều này có phần trách nhiệm của nhà nước?
- Đúng là có trách nhiệm của nhà nước. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thị trường lao động. Thời kỳ bao cấp, không ai yêu cầu hưởng BHXH một lần vì đều ký hợp đồng dài hạn. Bây giờ, khi vào làm việc ở cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân cũng đều ký hợp đồng 3 tháng, 1 năm nên NLĐ thấy bấp bênh. Khi nghỉ việc, họ mới đề nghị thanh toán một lần để lo việc khác.
Số người nhận BHXH một lần có lớn không?
- Rất lớn. Bình quân mỗi năm khoảng 500.000 người ra khỏi hệ thống, số vào cũng tương đương. Số lượng cân bằng như vậy nên khó đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Có ý kiến lo ngại về tình trạng thu gom sổ BHXH?
- Việc này gây thiệt hại cho NLĐ. Có thể NLĐ chỉ được khoảng 70%, còn anh làm thuê được 30%. Thu gom sổ BHXH để làm hộ chính sách BHXH cho NLĐ không khác nào hình thức bán lúa non. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho NLĐ thấy khi đã khó khăn rồi thì đến cơ quan BHXH làm thủ tục hưởng một lần để không mất tiền của chính mình. Khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã kiến nghị cơ quan BHXH phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ sổ BHXH. Phải thanh toán đúng người, đúng việc, không để tình trạng NLĐ không ốm đau gì mà lại có người đi làm thủ tục hưởng BHXH thuê.
Theo ông, lộ trình điều chỉnh điều 60 Luật BHXH nên thế nào?
- Quan điểm của tôi là trước mắt hạn chế dần, tới khi NLĐ hiểu được tính ưu việt của luật. Kỳ họp thứ 9 này không sửa cũng không sao, không cần nghị quyết tạm dừng vì hiệu lực của luật cũ vẫn còn hết năm nay nên kỳ họp QH sau sửa vẫn còn kịp.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM):
Phải có lộ trình thực hiện
Do điều kiện lao động và đặc điểm tâm sinh lý nên phần lớn công nhân dệt may, da giày ít ai làm việc đến tuổi hưu. Do vậy, họ đều có nguyện vọng nhận BHXH một lần để có thể trang trải sau khi nghỉ việc. Việc thu hẹp quyền thụ hưởng theo quy định mới dĩ nhiên sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý NLĐ.
Theo tôi, chưa nên áp dụng ngay quy định mới này mà cần phải xây dựng lộ trình. Điều cốt lõi là làm sao vừa bảo đảm quyền thụ hưởng BHXH của NLĐ vừa không gây xáo trộn quá lớn đến đời sống của họ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Công nhân một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM:
Công nhân khó làm việc đến khi nghỉ hưu
Thu nhập và đời sống của số đông công nhân hết sức bấp bênh. Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi sử dụng NLĐ 10 năm, họ sa thải để tìm người trẻ hơn. Những người này không thể tìm việc làm khác vì tuổi đã cao nên buộc phải về quê. Đồng nghiệp của tôi sau hơn 10 năm gắn bó với DN cũng rất mỏi mệt, chỉ muốn nghỉ việc và có một số vốn về quê làm ăn, do vậy đa số đều lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần.
Dù Luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực song việc quy định thu hẹp quyền thụ hưởng của NLĐ đã gây ra tâm lý hoang mang cho NLĐ. Nhất thiết QH phải xem xét, sửa đổi theo hướng bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ, cụ thể là tạm dừng thực thi khoản 1 điều 60 của luật này và xây dựng lộ trình áp dụng thích hợp hơn.
Vĩnh Tùng ghi
Bình luận (0)