Nhóm người nói trên đào bới cạnh một ngôi miếu cổ và chùa dưới chân núi Dài Lớn (Ngọa Long Sơn) thuộc khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc.
Anh P. (ngụ khóm An Bình) cho biết trước Tết Nguyên đán vừa rồi, một nhóm hơn 40 người lạ mặt xuất hiện ở đây nhưng người dân địa phương nghĩ họ đến tìm thuốc Nam để làm từ thiện. Có hộ cho mượn căn nhà để những người trong nhóm tá túc. Không lâu sau đó, cả khu vực gần như bị nhóm người này phong tỏa. Họ dựng lên 2 lán trại, làm rào và không cho người dân địa phương vào. “Thấy lạ, tôi gặng hỏi thì người trong lán trại bảo là tìm hài cốt liệt sĩ” - một người dân thuật lại.
Nơi nhóm đào bới gần ngôi miếu cổ, trên phần đất của ông Nguyễn Minh Luân. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng hùng hậu này đã đào được hố rộng khoảng 4 m2, sâu hơn 10 m. “Có lẽ do thất vọng vì không tìm được gì nên một số người trong nhóm bỏ về. Cuối tháng rồi, ở khu vực này chỉ còn 14-15 người nhưng họ vẫn đào thêm 1 hố gần đó. Tôi thấy việc làm của nhóm này rất khác thường. Nếu tìm hài cốt liệt sĩ thì làm công khai, thậm chí còn nhờ người dân địa phương hỗ trợ, chứ đâu lén lút như vậy” - anh P. nhận định.
Anh Lê Văn Tuốt (ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) cho biết cuối tháng rồi, anh được nhóm này thuê đào đất, tiền công 150.000 đồng/ngày. “Khi hố thứ 2 đang đào dang dở thì có thêm vài người tiếp tục bỏ đi vì quá vất vả nhưng chẳng được gì” - anh Tuốt nói. Ngày 30-4, tại khu vực đào bới chỉ còn anh Tuốt và 1 người tên Sơn quê TP Long Xuyên. Theo anh Tuốt, những người đào thuê được cho nghỉ xả hơi để sau lễ đào tiếp. Nói xong, anh dẫn chúng tôi đến xem cái hố đang đào dang dở sâu khoảng 9 m.
Người đứng đơn bí ẩn
Để làm rõ nghi vấn, chúng tôi được ông Võ Văn Phúc, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc, cho xem đơn xin tìm hài cốt liệt sĩ do ông Phan Thanh Phong (SN 1960, ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) ký ngày 20-1.
Trong đơn, ông Phong tự xưng trước đây là bộ đội Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Năm 1978, ông nhận lệnh giải tỏa xã Ba Chúc và mang 3 thi thể của đồng đội đến khu vực chùa ông Chín an táng.
Đơn có đoạn bày tỏ nguyện vọng “xin được bốc hài cốt về quê để thờ cúng” và hứa hẹn sau khi bốc hài cốt, sẽ san lấp mặt bằng như ban đầu. Nếu có làm hại cây ăn trái thì sẽ bồi thường xứng đáng.
Tuy nhiên, ông Phúc thừa nhận chưa từng gặp người viết đơn. Ông có lá đơn này là do cán bộ Thị đội thị trấn Ba Chúc mang tới để xin ý kiến. Thấy việc làm nhân đạo nên sau đó, ông đến vận động gia đình chủ đất cho nhóm người này tìm hài cốt theo ý nguyện.
“Sau khi những người đào bới bỏ đi, tôi nhiều lần điện thoại cho ông Phong để bàn việc lấp lại hố nhưng ông không nghe máy. Để an toàn cho người dân, mới đây, tôi chỉ đạo lực lượng chức năng lấp lại các hố. Chúng tôi đồng ý cho ông Phong tìm hài cốt liệt sĩ, chứ không để ông ấy muốn làm gì thì làm” - ông Phúc phân trần.
Ông Nguyễn Minh Luân cho biết do thấy việc tìm hài cốt không ảnh hưởng lớn đến gia đình nên đồng ý theo đề nghị của chính quyền địa phương. “Sau khi thấy họ đào hố quá sâu cùng nhiều dấu hiệu bất thường, tôi nhiều lần gọi điện thoại cho ông Phong nhưng chẳng được. Vì vậy, tôi nghĩ đã bị những người này lừa. Họ tìm cổ vật hay cái gì khác chứ không phải tìm hài cốt liệt sĩ” - ông Luân quả quyết.
Quá bất thường
Ngày 18-5, thượng tá Lê Văn Thắng, Đội phó Đội Tìm kiếm, Quy tập hài cốt liệt sĩ (K93) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, cho biết thông thường, chỉ đào xuống khoảng 5-7 tấc là phát hiện có hài cốt. Rất ít trường hợp phải đào sâu hơn 1 m. Vì vậy, tìm hài cốt mà đào sâu khoảng 10 m là không bình thường. Vả lại, theo quy định, người thân của liệt sĩ phải mang những giấy tờ liên quan như báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công, giới thiệu của chính quyền địa phương đến Đội K93 để xác định rồi mới được tìm kiếm.
Bình luận (0)