Sáng 3-1, trong ngày đầu tiên người dân đi làm lại sau đợt nghỉ Tết dương lịch, xe buýt nhanh ở Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn trong lúc di chuyển khi bị các phương tiện khác lấn làn, tạt đầu.
Nhiều người vô ý thức
Phóng viên Báo Người Lao Động đã trải nghiệm trên một tuyến xe buýt nhanh chạy trong khung giờ cao điểm (7 giờ đến 8 giờ). Xuất phát từ Bến xe Yên Nghĩa chỉ ít phút, trên xe buýt nhanh số 01 đã chật kín hành khách.
Tại mỗi trạm chờ tuyến xe buýt nhanh đều có người của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phát vé miễn phí cho hành khách. Nhìn chung, người dân thủ đô tỏ ra hào hứng và hài lòng với loại hình xe buýt nhanh này.
Có mặt trên tuyến xe buýt nhanh 01, chị Hoàng Thị Hoa (SN 1981; ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết chị dạy học tại một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn quận Ba Đình, thường ngày di chuyển bằng xe máy. “Trước đây, tôi cũng thử đi làm bằng xe buýt thường vài lần nhưng mùi khó chịu và hành khách hay chen lấn nên không đi nữa. Biết có xe buýt nhanh, tôi quyết định đi thử và có cảm giác rất tốt vì hiện đại và rất an toàn” - chị Hoa chia sẻ.
Qua quan sát, phần lớn người dân đã tự ý thức không đi vào làn của xe buýt nhanh. Dọc tuyến Lê Văn Lương vào nội thành, nhiều CSGT, thanh tra giao thông điều phối, phân luồng. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp lấn làn xe buýt nhanh, nhiều nhất là tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương. Các phương tiện vô tư đi vào làn dành cho xe buýt nhanh mặc tài xế bấm còi inh ỏi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, tài xế xe buýt nhanh số 01 cho biết nhiều xe máy, ô tô sang đường đột ngột, lấn làn xe buýt nhanh. “Nhiều người biết đây là xe buýt nhanh có làn ưu tiên nhưng vẫn vô tư đi vào. Chính việc này đã cản trở và giảm tốc độ của xe buýt nhanh” - tài xế này bức xúc.
Quyết tâm thực hiện
Trước đó, theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tốc độ trung bình của xe buýt nhanh là 20 km/giờ, thời gian vận hành 45 phút/chuyến, nhanh hơn 5-10 phút so với xe buýt thường. Tuy nhiên, trong sáng 3-1, tuyến xe buýt nhanh 01 xuất phát từ Bến xe Yên Nghĩa lúc 7 giờ 30 phút đến đúng 8 giờ 30 phút mới tới được Bến xe Kim Mã. Như vậy, chuyến xe buýt nhanh 01 còn chậm hơn cả xe buýt thường.
Liên quan đến việc trên, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, cho biết trong ngày 3-1, cơ bản tuyến xe buýt nhanh được vận hành suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các phương tiện cá nhân của người dân chuyển hướng lưu thông lấn làn và tạt đầu gây ùn ứ.
Theo ông Hà, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo để các phương tiện biết; phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. “Cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu để điều chỉnh tín hiệu đèn nhằm giảm ùn tắc giao thông. Hiện nay, trong lúc làn bên cạnh vẫn lưu thông bình thường thì một số người dân vẫn cố tình đi vào làn của xe buýt nhanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất xử nghiêm các trường hợp này”- ông Hà khẳng định.
Trong khi đó, trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT (PC67), Công an TP Hà Nội - cho biết đơn vị đã cắt cử gần 20 cán bộ, chiến sĩ đứng điều tiết giao thông tại các ngã tư trên tuyến xe buýt nhanh đi qua. Trong tuần đầu tiên, Đội CSGT số 3 chỉ tổ chức hướng dẫn giao thông chứ chưa xử lý trường hợp vi phạm nào. “Sau hơn 1 tuần hướng dẫn, lực lượng CSGT sẽ xử phạt các trường hợp cố tình lấn phần đường dành cho xe buýt nhanh” - trung tá Tú nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, PC67 - cho biết theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông, người điều khiển ô tô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đối với xe máy sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Trước đó, tại buổi khai trương tuyến xe buýt nhanh, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định TP đang rất quyết tâm trong việc sử dụng xe buýt nhanh để giảm ùn tắc giao thông. Theo ông Chung, xe buýt nhanh sẽ thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, người dân cần thông cảm khi loại phương tiện này có đường ưu tiên.
Đầu tư 53,6 triệu USD
Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Giai đoạn đầu, 24 xe buýt được đưa vào vận hành, trong đó ngày thường 20 xe, chủ nhật 14 xe, 4 xe dự phòng. Ngày thường, xe hoạt động với tần suất từ 5 đến 15 phút/lượt, chủ nhật từ 7 đến 15 phút/lượt. Thời gian xe mở cửa đón khách từ 5 giờ đến 22 giờ.
Giá vé mỗi lượt 7.000 đồng, sử dụng vé như xe buýt thông thường. Hà Nội miễn phí vé cho hành khách trong tháng đầu hoạt động (từ ngày 31-12-2016).
Bình luận (0)