Ngày 29-12, Xí nghiệp Buýt nhanh Hà Nội đã chạy thử hơn 20 xe buýt nhanh (XBN) vào giờ cao điểm để khớp nối kỹ thuật và thử nghiệm việc tác động tới giao thông toàn tuyến. Tuy nhiên, do chạy thử XBN vào khung giờ cao điểm nên giao thông trên nhiều tuyến ùn ứ kéo dài. Dù có kẻ vạch dành riêng cho XBN nhưng các phương tiện khác vẫn đi vào khiến hiệu quả không như mong đợi. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng trước việc XBN sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 (khai trương từ 8 giờ ngày 31-12-2016).
Ngày 30-12, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết trong ngày, đơn vị tiếp tục cho XBN chạy đúng lộ trình để kiểm tra mức độ ùn tắc giao thông trên toàn tuyến và xem xét điều chỉnh, đưa ra phương án tốt nhất. Tình trạng ùn tắc không xảy ra như ngày 29-12. Toàn tuyến cơ bản hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào hoạt động. Đối với những bất cập về nhà chờ, đèn tín hiệu… sẽ sửa, khắc phục xong trước ngày chạy chính thức.
Theo ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư giao thông đô thị Hà Nội, XBN có làn đường ưu tiên được phân định bằng vạch sơn, có biển cảnh báo nên nếu các phương tiện khác đi vào là vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp ùn tắc giao thông, người điều khiển vẫn có quyền cho các phương tiện khác đi vào làn XBN để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. Trường hợp hai làn bên cạnh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn XBN thì sẽ bị CSGT xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh để phạt nguội.
Sở GTVT Hà Nội cho biết khi XBN chính thức hoạt động, các lực lượng liên quan sẽ đứng chốt vào giờ cao điểm tại các giao lộ để điều tiết giao thông nhằm tránh tình trạng ùn tắc. XBN sẽ phục vụ từ 5 giờ đến 22 giờ, tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt với tổng 358 lượt xe, chủ nhật 264 lượt. Sau 1 tháng miễn phí, giá vé sẽ là 7.000 đồng/lượt.
PGS-TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT - Bộ GTVT, cho rằng XBN đã được áp dụng và thành công ở nhiều nước. Cái khó nhất ở nước ta là đường dành riêng cho XBN nhỏ quá, không như các nước. Các cơ quan quản lý phải nghiên cứu tổ chức lại giao thông cho phù hợp. XBN hoạt động với mật độ nhiều như vậy mà mặt đường không mở rộng được chút nào thì tất cả phải phụ thuộc vào công tác tổ chức giao thông.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết ý tưởng tốt nhưng nhìn vào hạ tầng và mật độ phương tiện dày đặc hiện nay thì dự án sẽ không đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, tại các điểm giao cắt, giao thông thường xuyên xảy ra xung đột, nếu XBN đi vào khai thác sẽ dẫn đến ùn tắc trầm trọng hơn.
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng Bộ môn Đường bộ Trường ĐH GTVT Hà Nội, nhìn nhận: “Khi tạo ra một hệ thống XBN thuận tiện, nhanh chóng, rẻ tiền, tiện nghi thì hệ thống này phải được ưu tiên dành riêng trên các hành lang vận tải. Thấy thuận tiện, lợi ích thì người dân sẽ tự ý bỏ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.
Bình luận (0)