Ngày 28-7, Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nhận được đơn kêu cứu và yêu cầu khởi tố 6 điều tra viên, kiểm sát viên ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã gây nên oan sai đối với ông Đinh Quang Điền, Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền (TP Buôn Ma Thuột). Ông Điền còn có đơn kêu cứu gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Xin gỗ không cho, bắt tạm giam?
Trước đó, vào tháng 3-2009, Công ty TNHH Quang Điền đã vay 13,8 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nơ Trang Long (TP Buôn Ma Thuột) với 4 tài sản thế chấp. Tính đến ngày 30-6-2011, doanh nghiệp này đã trả được 12,4 tỉ đồng, còn nợ hơn 2,9 tỉ đồng.
Từ một lá đơn nặc danh, ngày 21-6-2011, Công an TP Buôn Ma Thuột đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Điền và được VKSND cùng cấp phê chuẩn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ngân hàng. Ông Điền bị bắt giam 8 tháng. Ngày 15-10-2012, Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Điền vì không có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, theo đơn kêu cứu của ông Điền gửi đến Chủ tịch nước, sự việc lại bắt đầu từ chuyện xin gỗ không thành của một điều tra viên. Người này ban đầu xin gỗ để cất nhà, được ông Điền đồng ý nhưng sau lại đổi sang 3 m3 gỗ nhóm 1 với giá trị cao hơn nên ông chưa chấp nhận. Sau đó, ông Điền bị gọi lên Công an TP Buôn Ma Thuột làm việc rồi bị đọc lệnh bắt tạm giam vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ông Điền cho biết việc khởi tố, bắt giam oan sai đã khiến gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, tài sản bị kê biên hư hỏng, đối tác xa lánh, kỳ thị, con cái bỏ bê học hành, cha mẹ đều qua đời vì buồn bực… “Bản thân tôi trải qua những oan ức, giờ thì bệnh tật, nhồi máu cơ tim phải thường xuyên nhập viện” - ông bức xúc.
Ông Điền đã làm đơn yêu cầu VKSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước với tổng số tiền hơn 21 tỉ đồng. Ngày 21-5-2015, TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên buộc VKSND cùng cấp bồi thường cho ông Điền tổng số tiền 2,8 tỉ đồng. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Điền kháng cáo, VKSND TP Buôn Ma Thuột cũng kháng nghị. Mới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử và chỉ tuyên buộc VKSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường số tiền 1 tỉ 16 triệu đồng.
“Không chỉ bồi thường không thỏa đáng mà những người gây oan sai cho tôi hiện phần lớn vẫn đảm nhận các chức vụ tương đương, chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tôi không thể chấp nhận điều đó” - ông Điền nói.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Luật sư (LS) Phạm Công Út (Đoàn LS TP HCM) cho rằng thông thường, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án dựa trên 5 cơ sở: Tố giác của công dân; tin báo của cơ quan, tổ chức; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm và người phạm tội tự thú. Ông Đinh Quang Điền bị bắt giam chỉ từ một lá đơn nặc danh, không có cơ sở để khởi tố vụ án.
“Do vậy, chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp và chức vụ được quy định tại điều 293 Bộ Luật Hình sự về tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội”, điều 285 Bộ Luật Hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và điều 123 Bộ Luật Hình sự về tội “Bắt giữ, giam người trái pháp luật” - LS Út nhìn nhận.
Theo LS Út, hiện nay, những vụ án oan sai nếu được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì chủ yếu lấy ngân sách chi trả, còn những người trực tiếp gây oan sai không phải bồi thường. Do đó, phần nào đã khiến cho những người thực thi pháp luật xem nhẹ kỷ cương. LS Út cho rằng yêu cầu khởi tố những người gây oan sai của ông Điền là thỏa đáng, góp phần bảo vệ hoạt động tư pháp một cách lành mạnh.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với 2 trong số 6 cán bộ liên quan là ông Lê Hoàng Cương, Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, (thời điểm xảy ra vụ án là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột) và ông Phạm Thế Hà, Phó viện trưởng VKSND huyện Cư M’gar (thời điểm xảy ra vụ án là Phó viện trưởng VKSND TP Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, cả 2 ông đều từ chối trả lời và cho rằng không có chức năng phát ngôn với báo chí.
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng thẩm quyền điều tra vụ việc này thuộc về VKSND Tối cao.
Sai ngay từ đầu
Theo một nguyên lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk, vụ việc này ngay từ đầu đã có những dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, pháp luật quy định không xem xét, xử lý từ đơn nặc danh nhưng Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột lại căn cứ vào đó để khởi tố. Bên cạnh đó, theo như lá đơn này, ông Điền đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của ngân hàng. Nếu đúng với số tiền này thì thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột lại “ôm” vào và gia hạn tạm giam 1 lần để ông Điền phải bị tạm giam oan 8 tháng.
Bình luận (0)