Sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, những thanh niên bị bắt oan trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (Báo Người Lao Động đã phản ánh) hy vọng sẽ sớm tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi chưa được cơ quan chức năng xin lỗi công khai về nỗi oan sai trên.
Vất vả tìm việc
Hơn một tháng kể từ ngày cầm trên tay quyết định đình chỉ điều tra, Thạch Sô Phách vẫn còn nguyên vẹn nỗi vui mừng vì suýt nữa đã vướng vào vòng lao lý một cách oan ức. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui mừng ấy là nỗi buồn, nỗi day dứt của người chồng, người cha trẻ ở tuổi 25.
Nhìn đứa cháu nội có gương mặt sáng, đôi mắt trong veo, ông Thạch Suôl (cha của Sô Phách) nghèn nghẹn: “Nó nghỉ học lớp 1 khi Phách bị bắt giam. Mẹ nó cũng đi theo người khác. Giờ đã được trả tự do nhưng thằng Phách cũng chưa tìm được việc làm thì lấy gì lo cho con quay lại lớp học?”. Là người có sức khỏe tốt nhưng Phách cho biết vẫn chưa tìm được việc làm để lo cho con trai. Anh mong mỏi các ngành chức năng sớm tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương để mình danh chính ngôn thuận đi xin việc.
Là bạn thân của Sô Phách, Trần Hol hiện đã tìm được việc làm sau chuỗi ngày sống thu mình vì thất nghiệp. Hol bảo: “Không xin được việc làm ở quê, nản lắm! Cũng may, em có người quen giới thiệu lên Long An làm lơ xe để kiếm tiền lo cho vợ và 2 con nhỏ. Nếu không, em cũng không biết sống ra sao!”. Tuy nhiên, việc làm lơ xe cho một cơ sở cung cấp gia cầm ở Long An cũng chưa biết có được dài lâu hay không. Bởi theo Hol, mỗi chuyến đi, anh được trả 160.000 đồng nhưng nếu hôm nào ở nhà thì coi như không được tính tiền công.
Từng mang thân phận “nữ bị can” duy nhất trong 7 thanh niên bị bắt oan, Nguyễn Thị Bé Diễm cũng dở dang việc làm tại một quán ăn ở huyện Trần Đề, phải trở về quê ở Hậu Giang tìm việc khác. Sau những tháng ngày chật vật, hiện Diễm đã tìm được việc trong một tiệm uốn tóc ở quê nhà...
Mất việc vì bị “mời tới mời lui”
Sau khi được VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và cho tại ngoại vào đầu năm 2014, Trần Cua và Thạch Mươl phải bỏ quê lên Bình Dương tìm việc vì không chịu được những ánh mắt soi mói của nhiều người. Mươl được một cơ sở sản xuất cửa nhôm nhận vào, còn Cua xin làm tại một doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp.
Do chưa chính thức thoát khỏi danh phận bị can nên mỗi lần cơ quan chức năng ở Sóc Trăng triệu tập, Cua và Mươl phải xin tạm nghỉ việc để tức tốc trở về. Ngay cả khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra, 2 thanh niên này vẫn nhiều lần bị mời về làm việc. Do xin nghỉ liên tục, Cua và Mươl đã bị cho thôi việc.
“Có khi nửa tháng tôi phải xin nghỉ về Sóc Trăng 2 lần để làm việc với cơ quan chức năng. Không chỉ tốn kém chi phí đi lại, tôi còn bị chủ trách mắng. Mà cũng đúng thôi, công việc người ta làm liên tục thì đâu thể chờ đợi mình” - Thạch Mươl tâm sự.
Cùng hoàn cảnh như Cua và Mươl, cách nay hơn một tháng, Trần Văn Đỡ xin vào làm bốc vác tại một hãng nước đá ở huyện Trần Đề với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng do nhiều lần xin nghỉ để lên làm việc với cơ quan chức năng ở Sóc Trăng, Đỡ đã bị chủ trách mắng nặng lời nên phải nghỉ việc. Anh quay về bẫy chuột đồng hằng đêm; vất vả, thu nhập lại bấp bênh.
“Ngày Đỡ bị bắt giam, tôi đã cầm chiếc xe máy 2 triệu đồng để làm lộ phí lên thăm. Do sức khỏe yếu, tôi không làm gì ra tiền để đóng lãi hằng tháng nên chủ tiệm cầm đồ đã thanh lý mất chiếc xe. Hôm rồi Đỡ đi làm ở hãng nước đá để dành dụm tiền mua xe máy làm phương tiện đi lại nhưng giờ thì…” - bà Trần Thị Bỏ, mẹ Đỡ, bỏ lửng câu nói trong tiếng nấc.
Cho nhận dạng cán bộ điều tra
Theo những thanh niên bị hàm oan trong vụ án này, họ vừa được VKSND Tối cao mời làm việc để xác định ai đã tham gia đánh đập khiến họ phải nhận tội giết người.
Tại buổi làm việc, họ được cho xem hình ảnh những cán bộ điều tra để nhận diện. Kết thúc buổi làm việc, mỗi người được phát một tờ giấy mẫu để về tự tính toán mức yêu cầu bồi thường thiệt hại trong những ngày bị bắt giam oan.
Quá trình dẫn đến oan sai
Rạng sáng 6-7-2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết trên đường thuộc xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng quyết định bắt tạm giam Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách và Nguyễn Thị Bé Diễm, mặc cho những thanh niên này cho rằng họ vô tội.
Giữa tháng 12-2013, trong lúc vụ án đang chuẩn bị bước vào gian đoạn truy tố và xét xử, ban chuyên án cũng chuẩn bị nhận khen thưởng vì thành tích phá án nhanh thì bất ngờ Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM đầu thú và thừa nhận chính mình và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ huyện Trần Đề) đã cùng nhau giết ông Dũng để cướp tài sản.
Ngày 25-2-2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và cho tại ngoại đối với các thanh niên nêu trên. Cuối tháng 5-2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 7 thanh niên này.
Đầu tháng 6-2014, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định kỷ luật từ kiểm điểm rút kinh nghiệm đến giáng chức đối với 25 cán bộ, chiến sĩ liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các giai đoạn tố tụng của vụ án. Theo đó, thượng tá Nguyễn Việt Thanh - Trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45), trưởng ban chuyên án - bị cách chức Bí thư Đảng ủy cơ sở PC45 và giáng chức xuống phó phòng; thượng tá Nguyễn Hoàng Phú - Phó trưởng Phòng PC45, phó ban chuyên án - bị cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy PC45 và giáng chức xuống đội trưởng; đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, bị kiểm điểm và rút kinh nghiệm…
Bình luận (0)