Sáng 14-11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển Đông, hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” với gần 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế tham dự.
Bước sang giai đoạn mới?
Tại hội thảo, đại tá Ju Hai Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông, Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Tế Nam, Trung Quốc (TQ) - cho rằng từ tháng 7-2016, sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, quan hệ Trung - Phi cho thấy đà phục hồi. Đại tá Ju Hai Long kêu gọi “chấp nhận TQ với vai trò một người góp phần xây dựng trật tự hiện nay, không tùy tiện phản đối các mục tiêu chiến lược của TQ và không cố ý gạt TQ ra khỏi các bàn thảo về thiết lập một trật tự mới”.
Tuy nhiên, theo TS Gregory Poling - Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á và chuyên gia Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), TQ vẫn tiếp tục xây dựng các công trình quân sự trên một số đảo với mục tiêu rõ ràng là tăng cường thiết lập sự hiện diện quân sự, bán quân sự và lực lượng chấp pháp ở biển Đông.
Chủ trì hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cũng nhận định căng thẳng trên biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 1 năm qua, có gần 20 vụ đụng độ ở mức nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven biển Đông, gần trong khu vực Trường Sa của Việt Nam. Chưa kể những vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và TQ trong khu vực.
“Tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn với các hoạt động liên quan đến xây dựng công trình quân sự, triển khai vũ khí hiện đại ở cả Hoàng Sa và Trường Sa” - PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng nhìn nhận.
Cần thượng tôn pháp luật
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao - cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và TQ hôm 12-7 đã tác động lớn đến các nước trong khu vực. Một bức tranh sáng về biển Đông đã được khôi phục thông qua việc trả lại phần lớn vùng biển bị coi là có “tranh chấp” trở về các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp cho các quốc gia ven biển Đông. “Thành công này có thể khích lệ các bên tranh chấp khác cân nhắc, lựa chọn biện pháp tư pháp để giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách hòa bình” - PGS-TS Lan Anh nói thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề hội thảo, TS Vladimir V.Evseev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các nước Khối thịnh vượng chung (Cộng hòa Liên bang Nga), cho rằng Nga luôn ủng hộ chính sách thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, có những nước thường xuyên vi phạm luật pháp nên không chỉ dựa vào luật pháp để giải quyết.
“Theo tôi, phải giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo 2 hướng: Một là bằng các cơ sở luật pháp quốc tế. Hai là thiết lập một hệ thống an ninh mới ở khu vực, cũng như biển Đông. Hệ thống an ninh khu vực hiện nay trên quan điểm kiềm chế TQ nhưng Việt Nam thì không thể một mình làm được mà cần xây dựng hệ thống an ninh với sự hỗ trợ của nhiều nước. Chúng tôi có chính sách đối ngoại độc lập. Khi chúng tôi hỗ trợ giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông thì chúng tôi độc lập, không phụ thuộc TQ” - TS Vladimir V.Evseev nói.
Phá nát môi trường biển
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - cho rằng việc TQ khuyến khích ngư dân đồng loạt khai thác, đánh bắt kiểu hủy diệt trên biển Đông đã khiến hàng chục loài nằm trong sách đỏ mất đi. Những hành động này làm giảm đi năng lực nghề cá, mất sinh kế của người dân. Ước tính thiệt hại từ các hoạt động phá hủy môi trường mà TQ gây ra khoảng 4 tỉ USD mỗi năm đối với các nước ở khu vực Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, điều tra năm 2015 cho thấy trữ lượng thủy sản khu vực vùng biển Trường Sa và phía Tây quần đảo này giảm 16%.
PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cũng khẳng định hơn 20 bãi san hô ở Trường Sa đã có dấu hiệu bị hủy hoại nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng trăm mét vuông san hô đã hoàn toàn bị hủy diệt từ việc mở rộng đảo của TQ.
Bình luận (0)