Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục sẽ từng bước giảm dần biên chế viên chức theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.
"Khi được tự chủ, nhà trường sẽ được quyền chủ động tuyển người, chủ động đánh giá giáo viên và cứ 2 năm không hoàn thành thì cho nghỉ… Chúng ta nên theo "thị trường lao động" - Bộ trưởng Nhạ phát biểu.
Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai ngành giáo dục sẽ không còn biên chế, giáo viên có thể vẫn là viên chức nhưng ký hợp đồng lao động như những ngành nghề khác. Như vậy, tất nhiên các trường công lập như một đơn vị sự nghiệp công lập, có thể tiến tới tự chủ một phần tài chính.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Nếu Chính phủ ủng hộ vấn đề này, đây là cơ hội rất tốt cho ngành giáo dục".
Thông tin này gây xôn xao trong ngành giáo dục, xôn xao nghị trường Quốc hội đang họp, với nhiều ý kiến rất trái chiều. Có tờ báo thăm dò dư luận về vấn đề này, kết quả ủng hộ và phản đối gần như nhau.
Nếu Chính phủ chấp nhận đề án này, vẫn có nhiều yếu tố tích cực như sẽ chấm dứt kiểu thi tuyển giáo viên hết sức bất cập như hiện nay; chấm dứt tình trạng tiêu cực, chạy chọt kinh hoàng xảy ra ở khâu thi tuyển này, nghịch lý là để vào một cái nghề mà tiền lương không đủ nuôi sống bản thân.
Đề án này cũng sẽ xóa tư duy được vào biên chế là được dạy học suốt đời, buộc giáo viên phải liên tục tự đào tạo mình, xóa sức ì lớn nhất bấy lâu nay kiềm hãm giáo dục.
Tuy nhiên, đề án cũng có những hạn chế như khi coi trường học như là một đơn vị sự nghiệp công lập. Vấn đề xã hội hóa ở đây không phải là tư thục hóa trường công mà là xây dựng hành lang pháp lý để hai hệ thống trường công và tư hoạt động bình đẳng, hiệu quả.
Có ý kiến lo ngại đề án này nếu thực hiện sẽ đẩy vị trí người thầy vào thế bấp bênh khi họ chỉ là người làm công ăn lương qua hợp đồng lao động, các phạm trù đạo đức khác dễ bị xem nhẹ, trong khi nghề giáo bị nhiều áp lực. Dù vậy, vẫn có thể phản biện ý kiến này, bởi người lao động ngành nghề nào cũng phải chịu áp lực cả, giáo viên chịu áp lực cũng là điều bình thường.
Hệ thống giáo dục nước ta bất cập từ rất nhiều năm qua, nay đã đến lúc phải đổi mới toàn diện để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học. Đề án này hướng đến mục đích đó nhưng gây rất nhiều tranh cãi, dư luận nghi ngờ tính khả thi khi những cải cách của ngành giáo dục lâu nay vốn chỉ là những thí nghiệm mà hầu hết đều thất bại.
Giáo dục là một hệ thống tổ chức rất khoa học và tinh tế, để đào tạo con người với một triết lý giáo dục rõ ràng. Do vậy, những cải cách đối với hệ thống này rất nhạy cảm, đặc biệt đối với những "cỗ máy cái".
Bình luận (0)