Sáng ngày 14-11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng dẫn đầu, đã làm việc với Bộ Công Thương về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu 8 nhóm vấn đề của Bộ Công Thương cần làm rõ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ Công Thương có vị trí quan trọng, tham mưu cho Chính phủ ở nhiều lĩnh vực về cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Tổ công tác làm rõ 8 vấn đề, giải trình báo cáo lại Thủ tướng.
Thứ nhất, về vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Bộ trưởng Dũng nhắc lại tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao bộ Công Thương chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế bởi thực tế bộ máy hiện nay có vấn đề. “Ngay cả vấn đề khi sử dụng cán bộ như tham tán thương mại ở nước ngoài cũng phải chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Nếu ví dụ như có chuyện cử 1 đồng chí lái xe sang làm công tác tham tán thương mại thì phải xem xét kỹ lại, không thể nào một vị trí quan trọng mà sử dụng cán bộ như thế, sang đó làm việc riêng hơn là làm việc chung thì không ổn. Thời gian qua công tác bổ nhiệm cán bộ chỗ này chỗ khác các đồng chí quá hiểu, là điều phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2 ông Dũng yêu cầu bộ báo cáo làm rõ là vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát, thực hiện các quy trình quản lý vốn chủ sở hữu, các thủ tục thẩm tra thẩm định như thế nào trong việc các tập đoàn lớn thua lỗ, làm ăn không có hiệu quả.
Thứ 3 là vấn đề phản ứng chính sách, xây dựng thương hiệu thị trường bán lẻ trong nước, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong bối cảnh nước ngoài đang chiếm dần vị trí bán lẻ của chúng ta.
Thứ 4 là vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. “Thủ tướng nói Chính phủ không bán bia, không bán sữa. Những cái gì nhà nước cần làm thì phải làm, cái nhà nước không cần nắm giữ thì phải thoái vốn, bán vốn để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Phải quyết tâm thực hiện lộ trình càng sớm càng tốt”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ 5, vấn đề thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho công nghiệp phát triển là rất cần thiết trong bối cảnh thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Thứ 6 là vấn đề quản lý thị trường, chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại, hàng tiểu ngạch, hàng Trung Quốc, hàng đa cấp…
Thứ 7, về vấn đề môi trường, các hồ thuỷ điện, chiến lược phát triển năng lượng, bộ phải hết sức nghiêm túc trong thẩm định cấp phép, xả thải, nhất là rút kinh nghiệm trong việc thẩm định cấp phép, xả thải Formosa.
Thứ 8 là cần xây dựng chiến lược phát triển điện năng, không để miền Nam thiếu điện bởi với tốc độ khởi nghiệp, nhu cầu sản xuất lớn như hiện nay thì nhu cầu điện năng rất lớn. Đồng thời, cần quan tâm xử lý sớm những băn khoăn của cộng đồng dân cư ở địa phương, như vấn đề ô nhiễm nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, dự án thép của Tôn Hoa Sen ở Cà Ná…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo, giải trình trước Tổ Công tác của Chính phủ
Giải trình sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận việc khắc phục khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ là bài học rất sâu sắc, ý nghĩa thời gian qua.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến các dự án còn tồn đọng, thiếu hiệu quả, thất thoát vốn, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết hiện Bộ trưởng đang chỉ đạo thực hiện rà soát đánh giá toàn bộ và báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, tình trạng này có lịch sử lâu dài 10-15 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa nên việc rà soát không thể nóng vội.
Thứ 3, về hàng loạt tập đoàn, tổng công ty hiện nay tính hiệu quả kinh doanh chưa được như mong muốn, Bộ trưởng Tuấn Anh cũng nhìn nhận thực tế đã bộc lộ vấn đề lớn trong cơ chế điều hành và sau buổi làm việc này, bộ sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng.
Với vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn, người đứng đầu ngành công thương cho hay bộ đã hoàn thành đúng yêu cầu thời gian nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. “Riêng với Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn và Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội làm đúng tinh thần nhà nước không đi bán bia. Một loạt nguyên tắc lớn Chính phủ đề ra chúng tôi đang chấp hành nghiêm túc nhưng không thể chủ quan, vội vàng, làm sao bán được giá cao nhất nhưng phải giữ được thương hiệu, có thể báo cáo Thủ tướng để có quyết định chính xác nhưng đảm bảo yêu cầu, như việc có thể xem xét lại lộ trình” – ông Tuấn Anh nói.
Một số vấn đề khác được Tổ công tác của Chính phủ nêu ra như phản ứng chính sách, khởi nghiệp, chính sách công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, vấn đề môi trường, thuỷ điện… cũng được Bộ trưởng bộ Công Thương ghi nhận để giải quyết.
Bình luận (0)