* Phóng viên: Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội (QH) này, những nội dung nào sẽ được ông lựa chọn để chất vấn và muốn làm rõ hơn?
- Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu QH tỉnh Cà Mau): Từ trước đến giờ, tôi vẫn luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Nếu có cơ hội, tại kỳ họp này, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chất lượng bằng cấp. Chúng ta không phủ định có nhiều sinh viên giỏi nhưng dư luận cũng nói rất nhiều về việc các trường đào tạo chất lượng không cao. Cao hơn nữa là chất lượng đào tạo tiến sĩ. Nhiều cử tri nói với tôi rằng nhiều người có học hàm, học vị nhưng không có tri thức. Thậm chí, có người lợi dụng học hàm, học vị này để “chui sâu”, “leo cao”.
Tôi cũng rất lo về chất lượng trí tuệ, năng lực cán bộ hiện nay, thể hiện ở việc tham mưu chính sách, qua ý thức phục vụ công dân, ý thức kỷ luật. Có lần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, nói rằng ước lượng có khoảng 30% cán bộ, công chức chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Có người cho rằng số lượng như vậy phải nhiều hơn. Đi sâu hơn nữa là công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo mà dư luận cho rằng đang có vấn đề. Thủ tướng Chính phủ nói chúng ta phải “chọn người tài” nhưng vẫn đang có khuynh hướng “chọn người nhà”. Nếu có cơ chế minh bạch, chọn qua thi cử khách quan thì cũng không loại trừ chọn được người tài trong số “người nhà” nhưng vì chưa có cơ chế nên việc chọn theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba đồ đệ, bốn quan hệ” là điều rất đáng báo động.
* Vậy trách nhiệm của các cơ quan kỷ luật của Đảng và bảo vệ pháp luật của nhà nước trong chuyện này như thế nào?
- Cái gốc của cán bộ là đức. Hạnh kiểm không tốt, không có lòng tự trọng thì sẽ dẫn đến việc chạy chức chạy quyền. Thậm chí, được đặt vào một vị trí nhưng không có hạnh kiểm tốt, không có liêm sỉ, lòng tự trọng thì ngạo nghễ ngồi trên đó mà lộng hành. Hiện chúng ta đã bắt được “bệnh” của cán bộ, thuốc cũng đã kê đơn rồi. Vấn đề còn lại là ai “uống” và “uống” như thế nào”. Không thể để tự giác “uống thuốc” mà buộc phải uống. Đó là trách nhiệm của các cơ quan kỷ luật của Đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước. Làm sao phải phát hiện trong số cán bộ từ thấp đến cao nếu chất lượng, hạnh kiểm không bảo đảm thì loại khỏi bộ máy bằng công cụ của pháp luật. Cán bộ là người làm ra chính sách, thực hiện chính sách và chính cán bộ là những người có nguy cơ vi phạm chính sách.
* Giải pháp nào để có thể thực hiện được việc này?
- Nếu có cơ hội, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thực hiện 4 nhóm giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chắc chắn là Chính phủ và QH sớm muộn sẽ thể chế hóa bằng pháp luật chủ trương ấy của Đảng.
* Với câu chuyện “cả họ làm quan”, ông bình luận và đề xuất giải pháp nào để ngăn chặn?
- Nếu rà soát hết các địa phương thì đây chắc chắn không phải là chuyện hiếm. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại toàn bộ công tác bổ nhiệm cán bộ từ các chức danh trưởng, phó phòng trở lên, có thể lấy mốc từ 2011 đến nay để xem ai là “con ông cháu cha”. Những đối tượng này phải có một cơ chế thi tuyển để sàng lọc. Càng là “con ông cháu cha” thì càng phải chứng minh rằng mình xứng đáng ngồi ở vị trí ấy bằng tài năng thông qua thi tuyển nghiêm ngặt.
Bộ Nội vụ phải hiến kế cho Chính phủ việc thi tuyển cán bộ để trả lời cho dư luận biết bao nhiêu trường hợp trong số đó xứng đáng là người giữ chức vụ và số không xứng đáng thì bắt nguồn từ đâu? Việc tham quyền lực, lạm dụng quyền lực là hành vi tham ô quyền lực. Vì vậy, phải trừng trị nghiêm khắc không khác gì tội tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên):
Nhiều nhưng chưa chất lượng
Trong các nhóm vấn đề chất vấn thì nhóm vấn đề tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng công chức, phục vụ nhân dân, đổi mới công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được nêu ra là rất chính đáng vì công tác tổ chức cán bộ là khâu then chốt, yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Cho nên, qua nhiều phiên thảo luận ở QH, chúng ta vẫn nhìn nhận, đánh giá là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc cần thu gọn. Đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa chất lượng, cần tinh giản, rà soát, đánh giá lại để bộ máy thật gọn, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu. Thực tế này không phải bây giờ mới đề cập mà kéo dài qua nhiều kỳ họp rồi. Đây là chất vấn mở đầu một nhiệm kỳ QH nên rất có ý nghĩa, nó góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tìm giải pháp, tạo ra sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để làm xoay chuyển tình hình.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương):
Cần giám sát cán bộ kịp thời
Việc đánh giá cán bộ phải làm theo hằng tháng, hằng quý để xem cán bộ làm như thế nào để đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình kịp thời. Làm sao để cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành có tinh thần giám sát lẫn nhau. Tôi thấy hình như tiếng nói làm cho vừa lòng nhiều hơn là tiếng nói trung thực, thẳng thắn. Bây giờ phải đòi hỏi tiếng nói trung thực, thẳng thắn, tôn trọng sự thật khách quan, chứ nói đổi mới mà dễ người, dễ ta thì không được.
Bình luận (0)