Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bắt đầu diễn ra từ chiều 17-11 với sự đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp chế tạo; chống gian lận thương mại… Đây là những vấn đề quan trọng của đất nước, gần gũi với dân sinh nên nhiều ĐBQH rất tâm huyết đặt những câu hỏi sắc sảo.
Vì, do, tại, bởi...
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) sốt ruột cho rằng đã qua chặng đường gần 10 năm nhưng ngành CNHT chưa đạt được kết quả như mong muốn trong khi Việt Nam xác định đây là ngành mũi nhọn, là khâu đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Nguyên nhân có phải vì thiếu chính sách cụ thể, nếu đúng như vậy thì trách nhiệm của bộ trưởng thế nào?” - ĐB Mạo hỏi.
Không quên đây là vấn đề mà một số ĐB đã nhất quán đặt câu hỏi liên tiếp tại nhiều kỳ họp QH, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng cấp độ pháp lý của chính sách còn thấp, chưa đạt yêu cầu nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT. Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xin chủ trương xây dựng luật về CNHT để trình QH thông qua nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này. Nguyên nhân quan trọng khác khiến Việt Nam chưa chen chân vào được chuỗi giá trị toàn cầu vì sức nhỏ, thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, sự phân công trong chuỗi giá trị toàn cầu đã được các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia tổ chức từ trước. Ngoài ra, bởi dung lượng thị trường không đủ lớn. Ví dụ, mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất 70.000 ô tô nhưng có đến 10 chủng loại nên không DN phụ trợ nào dám đứng ra cung cấp linh phụ kiện vì sản lượng tối thiểu cần thiết phải là 100.000 xe/năm.
Không thấy bộ trưởng nhắc đến phần trách nhiệm, ĐB Đồng Hữu Mạo hỏi thêm: “Khi lấy phiếu tín nhiệm, tôi đánh dấu cho bộ trưởng vào ô tín nhiệm chứ không phải tín nhiệm cao vì tôi thấy có nhiều vấn đề chưa ưng ý, cụ thể là vấn đề này. Bộ trưởng còn thiếu chính sách cụ thể, chưa kiên quyết. Tôi đặt câu hỏi để mong bộ trưởng thấy vấn đề của mình và tôi mong muốn trước cử tri, bộ trưởng nói xem có chịu một phần trách nhiệm không?”. Lúc này, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mới thừa nhận: “Còn có những hạn chế, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi trong công tác tham mưu về cơ chế, chính sách”.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn vì sao ngành công nghiệp ô tô vẫn èo uột sau 10 năm có chiến lược phát triển, tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá lại đắt nhất thế giới và đề nghị bộ trưởng cho biết có giải pháp gì để không thất bại như chiến lược cũ? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích chỉ có xe con đạt tỉ lệ nội địa hóa 5%-10%, còn các loại khác như xe khách đạt 40%; xe tải chuyên dụng đạt 70% nhưng bộ trưởng cũng thừa nhận: “Quan trọng là ô tô con thì chúng ta chưa đạt được mục tiêu”. Liên quan đến giá ô tô con, bộ trưởng nói: “Về việc giá đắt thì không chỉ là do sản xuất mà còn do những cơ chế, chính sách góp phần làm giá ô tô đến tay người mua đắt. Tôi không bình luận về vấn đề này nhưng rõ ràng việc phát triển công nghiệp ô tô con của chúng ta có vấn đề”.
QLTT phải kiểm tra phân bón bằng... miệng
Cũng như 2 kỳ đăng đàn trước đây của bộ trưởng Bộ Công Thương, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục làm nóng nghị trường. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn lại thực trạng nhức nhối về buôn lậu làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có cam kết đến năm 2015 sẽ kiên quyết ngăn chặn, xử lý giảm được bao nhiêu phần trăm số vụ vi phạm, như vậy cần phải bổ sung bao nhiêu lực lượng QLTT hay không?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công tác quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế cho dù lực lượng QLTT đã rất cố gắng. “Trang thiết bị để kiểm tra, kiểm nghiệm thiếu thốn nên hiệu quả chưa cao. Ở một số nơi, anh em QLTT phải dùng miệng để kiểm tra phân bón giả!” - bộ trưởng giãi bày. Về trách nhiệm, bộ trưởng cho biết: “Tôi chỉ dám nói rằng sẽ hết sức cố gắng và chúng ta không có lý do gì để không tin rằng tình trạng này không được cải thiện”.
“Tôi rất buồn khi nghe bộ trưởng nói thiếu phương tiện đến mức cán bộ phải thẩm định phân bón bằng miệng. Nếu kiểm tra thuốc trừ sâu thì kiểm định bằng gì, thiếu phương tiện thế thì bộ trưởng đề xuất thế nào?” - ĐB Khá chất vấn thêm. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích đây chỉ là ví dụ để thấy rằng đang thiếu các công cụ phục vụ việc kiểm tra chất lượng.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề về nguyên tắc, địa bàn nào xảy ra buôn lậu thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cụm từ “phải chịu trách nhiệm” là quá chung chung, cần phải được cụ thể hóa vì hầu như chưa có ai bị cách chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu. Trước thực trạng đội ngũ chống buôn lậu thì nhiều tầng lớp nhưng vẫn xảy ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, ĐB Cường đề nghị bộ trưởng cho biết bộ đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm bao nhiêu trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng buôn lậu?”.
Nhấn mạnh đây là thực trạng nhức nhối, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương chỉ là cơ quan phối hợp. QLTT cả nước đã kỷ luật, khiển trách 25 trường hợp sai phạm, cảnh cáo 16 trường hợp và cách chức, buộc thôi việc 4 trường hợp. Về số liệu cụ thể hơn của công tác chống buôn lậu, bộ trưởng cho biết sẽ do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trả lời.
Không lo mất hệ thống phân phối (!?)
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) đề nghị bộ trưởng cho biết có giải pháp gì để giữ hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam trước áp lực thôn tính của các DN ngoại qua làn sóng mua bán - sáp nhập đang diễn ra ồ ạt. Bộ trưởng Hoàng trấn an: “Số liệu cho thấy tổng kết lại 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì chỉ có 70 của nước ngoài, còn lại của trong nước. Tỉ lệ siêu thị của nước ngoài ở Việt Nam không nhiều. Năm 2013, tổng dung lượng bán lẻ của thị trường là 2.700 tỉ đồng nhưng nước ngoài chỉ chiếm 3,4%, giảm so với tỉ lệ cách đây 5 năm cho thấy ta mở cửa thị trường nhưng có kiểm soát”.
Trước khi là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã nhận thức đây là lĩnh vực nhạy cảm nên thực hiện mở cửa theo lộ trình để DN trong nước có thời gian thích ứng, vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Lộ trình này khá dài, đến năm 2019 mới được lập DN 100% vốn nước ngoài và có 9 mặt hàng như gạo, văn hóa phẩm, đường, xăng dầu… không được tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ của nước ngoài. “Lo lắng về sự xâm nhập của DN bán lẻ nước ngoài là có nhưng thực tế 8 năm gia nhập WTO, chúng ta vẫn có thể làm chủ được thị trường” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Hôm nay (18-11), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời trong buổi sáng, sau đó là phần đăng đàn của bộ trưởng Bộ Nội vụ và bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Đã xử nghiêm các vụ án tham nhũng
Trình bày báo cáo việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại QH ngày 17-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản. “Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, các cơ quan đã triển khai trên 5.500 cuộc thanh tra hành chính, trên 132.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28.000 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách trên 13.000 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 837 tập thể và trên 1.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ việc. Trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phó Thủ tướng cho biết Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các bộ, ngành đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý. T.Kha
Bình luận (0)