Hiện hầu hết 12 huyện và thành phố của tỉnh Lâm Đồng đều thiếu nước sinh hoạt trong khi nhiều công trình nước sinh hoạt bị bỏ hoang.
Gần 200 hộ dân tại thôn 3 của xã Đạ Long (huyện Đam Rông) hằng ngày phải đi hàng km, chắt chiu từng can nước từ khe suối. Trong khi đó, công trình nước sinh hoạt thôn 3 được đầu tư 708 triệu đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2001, thiết kế cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 178 hộ dân nhưng bị hư hỏng hoàn toàn. “Khi công trình vừa bàn giao cho thôn quản lý đã thấy hư hỏng, bỏ hoang hơn 15 năm nay rồi. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết” - ông K’ Ly Păc (ngụ thôn 3) phản ánh.
Xã Đạ Long có 2 công trình nước sinh hoạt thì đều không sử dụng được. Tại thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, công trình nước sinh hoạt do Công ty Quản lý và Khai thác các công trình công cộng huyện Bảo Lâm làm chủ đầu tư được bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2013 với tổng kinh phí 500 triệu đồng, hiện cũng không sử dụng được.
Dân tại thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh), nhiều năm nay vẫn phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Công trình cấp nước ở thôn này xây dựng năm 2006 với mục đích cung cấp nước sinh hoạt cho 40 hộ dân. Từ khi xây dựng công trình này, người dân chưa một ngày được sử dụng do bồn chứa nước đặt trên đồi cao, máy bơm yếu nên không thể bơm nước lên.
Tại thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh), công trình nước sạch được đầu tư xây dựng từ năm 2007 để phục vụ cho gần 200 hộ dân đồng bào dân tộc Châu Mạ, hiện công trình cũng “đắp chiếu”.
Sau nhiều năm chờ đợi tu sửa các công trình nước sạch này không được, nhiều người phải đào giếng tìm nguồn nước. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết tình trạng công trình nước sạch tự chảy không ai quản lý, khi hư hỏng nhỏ không ai sửa chữa, khắc phục, dẫn đến công trình nhanh chóng xuống cấp. Hiện huyện này có 15 công trình nhưng 8/15 công trình không thể hoạt động. Lúc bàn giao công trình cho chính quyền địa phương đều có cam kết thu tiền nước của dân phục vụ duy tu, bảo dưỡng nhưng hầu hết các xã đều không thực hiện việc thu tiền nên khi hư hỏng không có kinh phí sửa chữa.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn có 252 công trình nước sạch tập trung và theo thiết kế, các công trình có hạn sử dụng trên 5 năm, sau đó mới phải duy tu sửa chữa. Thế nhưng, hiện khoảng 25% số công trình hư hỏng xuống cấp, trong đó có trên 10% hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách.
Kinh phí luôn luôn thiếu
Ông Nguyễn Nhất Ninh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nói: “Các địa phương khi được giao quản lý công trình làm chưa tốt vì chưa kịp thời nắm bắt mô hình, kỹ thuật của loại hình cấp nước. Yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật để làm công tác vận hành, quản lý, bảo dưỡng cũng chưa có và kinh phí luôn luôn thiếu. Ở cấp tỉnh, khi thiếu kinh phí sẽ được dồn kinh phí của cả tỉnh để sửa chữa những công trình hư hỏng. Ở các huyện, xã, một công trình hư hỏng không thể lấy kinh phí từ huyện này, xã này điều phối sang chỗ khác nên tình hình sửa chữa mang tính cấp bách bị chậm”.
Bình luận (0)