Trong ngày này, Chi cục Thú y TP HCM ngưng việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và hướng dẫn tổ chức, cá nhân liên hệ Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM để thực hiện thủ tục này. Nhưng trước đó một ngày, Ban Quản lý ATTP có văn bản cho rằng thủ tục trên thuộc thẩm quyền của Chi cục Thú y TP. Để giải tỏa tình trạng ách tắc, lãnh đạo UBND TP HCM đã chỉ đạo và Chi cục Thú y tiếp tục cấp giấy kiểm dịch đến ngày 30-6. Trong phiên họp vào sáng 30-6 với một số sở, ngành và Ban Quản lý ATTP TP, các bên thống nhất Sở NN-PTTN chỉ đạo Chi cục Thú y tiếp tục tạm thời cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Văn phòng UBND TP sẽ báo cáo lại lãnh đạo UBND TP trước khi tổ chức buổi họp để đưa ra quyết định cuối cùng.
Có thể xem sự cố vừa qua là một trong những câu chuyện điển hình về việc đẩy đưa trách nhiệm. Hậu quả của việc này là hơn 200 giao dịch bị ngưng trệ, rất may khi lãnh đạo TP HCM kịp thời tháo gỡ. Vào tháng 5-2017, Ban Quản lý ATTP tiếp nhận 194 nhân sự từ Chi cục Thú y, trong đó có hơn 40 người làm công tác cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng Ban Quản lý ATTP không tiếp nhận thủ tục hành chính này dẫn đến Chi cục Thú y bị thiếu nhân sự. Theo quy trình cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, nếu lô hàng không có sự quản lý giám sát từ đầu vào đến đầu ra thì việc cấp giấy phải chờ kết quả lấy mẫu, gây ách tắc, phiền hà cho chủ hàng. Còn nếu cơ quan thú y đến cấp giấy ngay theo yêu cầu của chủ hàng mà không quản lý được chất lượng thì lại không đúng với ý nghĩa của thủ tục kiểm dịch. Nếu cả hai cơ quan cùng kiểm dịch thì sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo quản lý, vi phạm nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở chỉ bị quản lý bởi một cơ quan nhà nước.
Trên cả nước, tình trạng này lại khá phổ biến dưới hai dạng hoặc đùn đẩy cho nhau hoặc đùn đẩy lên cấp trên. Trong 8 tháng đầu năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết hơn 13.700 văn bản, trong đó có không ít thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và địa phương. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết điều này ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của hệ thống hành chính quốc gia, người dân và doanh nghiệp là những người phải gánh hậu quả. Đây cũng là một trong những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết sức quan tâm khi xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Trong yêu cầu đó là nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, với bộ máy trong sạch, thạo nghề, các cơ chế minh bạch, thuận tiện được vận hành và luôn lấy quyền lợi, đời sống của dân đặt lên hàng đầu.
Do đó, câu chuyện về cấp phép kiểm dịch vừa qua không chỉ là bài học của người trong cuộc và các cơ quan có trách nhiệm nhìn lại mình mà còn cần hơn là sự xốc vác, xắn tay vào của các cơ quan ban ngành địa phương, thay vì ngồi kêu ca và so đo, đùn đẩy cho nhau.
Bình luận (0)