Bộ trưởng không trả lời thẳng vào vấn đề mà cho biết về an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm một phần, tức là “trên mâm cơm”, ngoài ra còn có trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương.
Sau khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương xác nhận phần “việc” của mình; ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai vẫn cho rằng tuy là vấn đề đa ngành nhưng phải có có “nhạc trưởng”. Lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu mới thừa nhận “nhạc trưởng” ở đây là… Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ trưởng trần tình: “Câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm là cuộc đấu tranh lớn giữa người sản xuất và người kinh doanh thiếu đạo đức, giữa cái thiện và cái ác từ rất lâu…, chưa biết đến bao giờ kết thúc”.
Về ô nhiễm môi trường do rác thải y tế, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng việc xử lý chất thải y tế chưa tốt là một nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu bộ trưởng nói rõ giải pháp, kế hoạch để hơn 60% các bệnh viện có được kinh phí thực hiện tốt công tác này.
Bộ trưởng cho biết đang tiếp tục qui hoạch việc xử lý chất thải và chỉ đạo xử lý chất thải rắn tập trung; cần phải có 800 tỉ đồng để xử lý nước thải y tế và 1.200 tỉ đồng xử lý chất thải rắn. Nhưng ĐB Bạch Mai cho rằng “kinh phí không là vấn đề lớn mà vấn đề là khi nào sẽ xử lý dứt điểm?”
Còn ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) thì bức xúc nói: “ không đồng tình với trả lời bằng văn bản của bộ trưởng cho rằng trách nhiệm quản lý xử lý chất thải y tế thuộc về các địa phương, không thuộc về bộ trưởng”.
Bộ trưởng phản hồi rằng: “Nói rạch ròi việc xử lý rác thải y tế thuộc về ai cũng… khó, vì hiện Bộ Y tế chỉ quản lý 35 bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện còn lại trong số hơn 1.000 bệnh viện của cả nước là thuốc các tỉnh thành. Như vậy là… bộ trưởng có trách nhiệm và các địa phương cũng có trách nhiệm”.
Kết thúc ngày chất vấn thứ 2, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận xét, trong lần thứ hai đăng đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu có những trả lời sinh động, đi vào vấn đề và có sự tranh luận, trao đổi với ĐB nên không khí chất vấn sôi nổi. Tuy đã thực hiện có hiệu quả một số lời hứa trong kỳ họp Quốc hội trước nhưng Bộ trưởng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa những vấn đề cần làm. Bộ trưởng cần quan tâm không chỉ chống dịch, dập dịch bệnh, cần làm tốt hơn nữa công tác phòng bệnh.
Sáng nay, 12-11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII tiếp tục bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên trả lời chất vấn sáng nay. Không khí nghị trường nóng lên khi Bộ trưởng tuyên bố việc tham mưu cuối tháng 3, đầu tháng 4 là chính xác vì nếu không như vậy thì không biết giá gạo trong nước lúc đó sẽ tăng đến mức nào.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Đại biểu Phạm Thị Hòa (An Giang) chất vấn lại vấn đề xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương nói nông dân trồng lúa kém chất lượng, năng suất cao nên khó bán nhưng lâu nay doanh nghiệp vẫn thu mua. Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) cũng cho rằng Bộ trưởng chưa trả lời xác đáng về vấn đề xuất khẩu gạo, cử tri chưa hài lòng nên phải nhắc lại, không thể nói “chưa kịp thời, còn bất cập” để chần chừ, điều hành cứng nhắc, trễ một ngày thì thiệt hại của nông dân càng tăng. Bộ trưởng có kiểm tra khẳng định mức “lời 30%” của người nông dân hay không?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời, do chênh lệch giá gạo 5% và 25% tấm không cao nên vẫn xuất được vào năm 2007. Bộ trưởng cho rằng, năm nay, các nước nhập khẩu gạo được mùa như ta nên khó xuất khẩu hơn năm trước. Về mức lời 30% của nông dân, Bộ trưởng đưa ra những con số thống kê từ các tổng công ty, 150 doanh nghiệp kinh doanh gạo và địa phương là đã nắm sát tình hình thực tế.
Khi Bộ trưởng khẳng định chưa bao giờ tham mưu ngừng xuất khẩu gạo mà chỉ ngừng ký hợp đồng mới, các đại biểu xôn xao bàn tán. Trong không khí đó, Bộ trưởng vẫn tuyên bố “việc tham mưu cuối tháng 3, đầu tháng 4 là chính xác vì nếu không như vậy thì không biết giá gạo trong nước lúc đó sẽ tăng lên đến mức nào”. Tuy nhiên, khi đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) chất vấn “vì sao không ký hợp đồng xuất khẩu gạo vào thời điểm giá cao?” thì Bộ trưởng “nhận một phần trách nhiệm do có lúc tham mưu không kịp thời”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị chờ phiên chất vấn Thủ tướng để tiếp tục nói về vấn đề này do các Bộ trưởng đã trả lời nhiều.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) hỏi: “kết quả kinh doanh thế nào, vì sao Tập đoàn Điện lực VN từ chối 13 dự án điện, báo cáo lỗ lại xin để lại hơn 1.000 tỉ đồng để thưởng?”.
Bộ trưởng cho biết kết quả kinh doanh ngành điện trong năm 2007 lãi được khoảng 4.000 tỉ đồng (con số chưa kiểm toán), tương đương 3% vốn với mức lãi 140 đồng/ kW điện. Số tiền 1.000 tỉ đồng ngành điện xin giữ lại cho quỹ phúc lợi là từ số tiền lãi 4.000 tỉ đồng thu được năm 2007. Năm 2008, mức lãi ước tính trên mỗi kW điện chỉ còn khoảng 60-70 đồng/ kW do chi phí sản xuất điện và giá mua điện ngoài tăng nhưng giá điện gần như không tăng.
Còn lý do Tập đoàn điện lực VN trả lại 13 dự án với lý do khó khăn khách quan như nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện không còn được như trước. Dù vậy, Bộ trưởng cũng khẳng định “Tập đoàn điện lực VN trả lại 13 dự án là không làm hết trách nhiệm”
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) hỏi “Nếu tăng giá điện mà vẫn cắt điện thì Bộ có đền cho doanh nghiệp hay không?”. Bộ trưởng không trả lời thẳng câu hỏi mà cho rằng với 18.000 kw điện so với nhu cầu điện tăng 12,13% thì có thể bảo đảm. Tuy nhiên, lượng điện còn phụ thuộc vào mùa khô, mùa mưa vì năng suất của một số nhà máy thủy điện. Do hết thời gian chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chưa trả lời các câu hỏi “Mục tiêu kinh doanh của Tập đoàn điện lực VN là gì? Vì sao đầu tư sang các ngành bất động sản, chứng khoán…?” (Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Bạc Liêu), “Bao giờ VN bán điện theo giá cạnh tranh” (Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Tuyên Quang)
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết, Bộ trưởng đã trả lời hầu hết các vấn đề do Đại biểu Quốc hội nêu ra và đã nhận một phần trách nhiệm, nhất là trong vấn đề xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nhưng “nhận trách nhiệm không rõ”. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý Bộ trưởng cần thấy hết trách nhiệm để khẩn trương đưa ra giải pháp hiệu quả để làm bớt lo lắng của nhân dân trong xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo.
Bình luận (0)