“Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ngồi ở nhà nhiều hơn chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc vụn vặt. Tác phong của bộ trưởng như vậy là rất tốt nhưng vị trí bộ trưởng không phải ở chỗ ấy mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm” - nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước góp ý (qua kênh báo chí).
Một vài kênh truyền thông đã thực hiện khảo sát và cho biết quan điểm của đại biểu Cao Sĩ Kiêm không được phần đông dư luận đồng tình. Người dân không muốn những “tư lệnh” ngành thụ động mà thích cái cách Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thể hiện. Ngày trước, các đấng minh quân thường vi hành rồi về hoạch định hoặc cải đổi luật lệ. Tướng quân tại ngoại thì mới sát thực tế, mới hiểu dân và cho ra quyết sách đúng đắn.
Suy nghĩ có phần cảm tính của người dân rất dễ hiểu do trước nay quá hiếm những bộ trưởng chịu khó đi cơ sở; trong khi đó, còn nhiều bộ trưởng có tác phong xa dân, vì thế sự xốc vác của ông Đinh La Thăng tạo được sự gần gũi, cảm tình và tin cậy.
Tuy nhiên, cái đích cuối cùng của mỗi phương pháp làm việc chính là hiệu quả. Ngành GTVT đã cải thiện thấy rõ dưới thời của Bộ trưởng Đinh La Thăng song người ta cũng cảm thấy quan ngại bởi chuyện ông đi thị sát rồi “trảm quan”, “thay tướng” hoặc “cắt cơm” nhà thầu sai phạm còn nặng tính sự vụ. Nếu chỉ cắt bỏ được phần ngọn hư hỏng mà không giải quyết được cái gốc ung nhọt thì những vấn đề cốt lõi của ngành sẽ không được cải thiện một cách căn cơ, kết cục là trong một hay hai nhiệm kỳ bộ trưởng, ông Đinh La Thăng sẽ chẳng thể nào xử lý nổi.
Nên nhớ là ở Bộ GTVT, ngoài bộ trưởng ra còn có 6 thứ trưởng cùng 15 vụ, văn phòng - là những cơ quan tham mưu cho lãnh đạo bộ; ngoài ra còn cả chục tổ chức quản lý chuyên ngành trực thuộc khác. Có bộ “to” hơn, đến những 10 thứ trưởng và hàng chục cơ quan giúp việc. Nếu bộ máy vận hành đều tay, bài bản và trách nhiệm thì lãnh đạo bộ - nhất là bộ trưởng - chẳng phải nhọc nhằn “ra trận”.
Không ai chê trách tác phong làm việc “kiểu Đinh La Thăng” nhưng đó không phải là hình mẫu ưu việt. “Tư lệnh” ngành nào cũng cần phải đi thực tế nhưng đi ít mà hiệu quả công việc cao thì mới tài. Để được như vậy, phải tổ chức tốt bộ máy, phải giỏi dùng người và có tầm nhìn xa trông rộng. Bộ nào hiện cũng có đầy đủ ban bệ, được phân cấp phân quyền và được trả lương chu đáo, trách nhiệm của bộ trưởng trước hết phải “tề gia”, tức là phát huy cho được sức mạnh tập thể của mình, rồi sau đó hãy “bình thiên hạ”.
Người dân bao giờ cũng cần những bộ trưởng hành động nhưng cần cái đầu của họ nhiều hơn là đôi chân!
Bình luận (0)