xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ trưởng GD-ĐT lòng vòng

Bài và ảnh: Thế Dũng

Trong phiên chất vấn sáng 24-11 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, dù bị nhiều đại biểu Quốc hội truy vấn đến cùng nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại lòng vòng, “né” nhìn thẳng vào sự thật và trách nhiệm của mình

img
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng đào tạo ngoài công lập có vấn đề
Sáng 24-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn của 39 đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Nhiều “hàng giả”, “hàng nhái”

Là một trong số ít tân ĐB có ý kiến thẳng thắn trên nghị trường, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đi thẳng vào thực tế là tuyệt đại học sinh dự thi THPT đều tốt nghiệp và phần lớn trong số đó dự thi ĐH cũng được xét tuyển thông qua nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, nếu chưa được thì học liên kết, từ xa... “ĐH có vào, tất yếu đến hẹn có ra. Số có bằng giỏi, bằng khá nhiều nhưng chất lượng ngày càng thấp, nhiều “hàng nhái”, “hàng giả” cung cấp cho xã hội. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp cải thiện” - ông Nam bức xúc.

Giải đáp chất vấn của ĐB Lê Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Có tình trạng thừa trường yếu kém, thiếu trường tốt. Do vậy, trường nào không kịp thời nâng cấp thì yêu cầu dừng tuyển sinh hoặc cho đóng cửa”. Ông Luận cũng thừa nhận chất lượng đào tạo hệ tại chức, từ xa, ngoài công lập có vấn đề dẫn đến nhiều địa phương “chê” cử nhân các hệ này.

Bộ trưởng “lạc đề”

Giải đáp lo lắng của ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) về việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam du học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng càng hội nhập, điều kiện của người dân càng cao thì nhu cầu đi học càng lớn, đó là dấu hiệu tốt.

Không thỏa mãn câu trả lời của bộ trưởng “lệch” với đề bài và chưa nhận rõ chất lượng giáo dục thấp là nguyên nhân chính, ĐB Phan Văn Tường phải dùng hình ảnh: “Hai hàng phở cạnh nhau, một hàng đông khách, một hàng ế giống như việc học sinh đua nhau ra nước ngoài học ĐH nhưng nhiều trường trong nước không tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ trưởng có đột phá gì?”. Đến đây, Bộ trưởng Luận mới thừa nhận chất lượng đào tạo đúng là còn thấp, khiếm khuyết song vẫn “né” nhìn thẳng vào sự thật và trách nhiệm. Chưa hài lòng khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không trả lời đúng vấn đề các ĐB nêu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang và nhắc: “ĐB hỏi bộ trưởng học sinh đua nhau du học có phải do chất lượng đào tạo trong nước có vấn đề và có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT?”.

Vẫn không đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Luận lại dẫn việc Intel tại Việt Nam vừa công bố đại bộ phận người lao động trong doanh nghiệp này là tốt nghiệp từ các trường trong nước để chứng minh sinh viên Việt Nam không yếu kém. Trả lời này của ông Luận tiếp tục được Chủ tịch QH nhắc lại lần thứ hai: “Bộ trưởng giải trình thẳng chất vấn việc bằng giỏi khá nhiều nhưng sinh viên trong nước khó xin việc có phải do chất lượng đào tạo?”. Lúc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới thừa nhận: “Giữa kết quả thực sự về kiến thức và kỹ năng với điểm số xếp hạng trên văn bằng có khoảng cách”.

Không đưa ra được giải pháp

Tiếp tục hâm nóng nghị trường, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nêu tỉ lệ tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 là 95,72%, trong đó có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%. Trong khi năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp chỉ là 66,7%, trong đó nhiều trường có tỉ lệ dưới 30%. “Dư luận xã hội nghi ngờ thực chất của kết quả trên, bộ trưởng có ý kiến gì?”. Truy tiếp, ông Diệu cho biết: “Cử tri rất quan tâm và cho rằng đề thi và đáp án môn lịch sử để có tới cả ngàn điểm 0 là có vấn đề. Xin bộ trưởng giải thích?”. Giải đáp bức xúc của ĐB Diệu, Bộ trưởng Luận giải thích: “Qua kiểm tra cho thấy kết quả thi tốt nghiệp năm 2011 về cơ bản là phù hợp với kết quả của bài thi. Còn môn lịch sử, bộ đã rút kinh nghiệm và có thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập…”. Không thỏa mãn, ông Diệu giải thích: “Học sinh học môn lịch sử không đến mức kém như kết quả thi, thậm chí còn cao hơn nhiều môn khác, như vậy là câu hỏi và đáp áp thi có vấn đề?”.

Lần thứ ba, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phải diễn giải lại câu hỏi của ĐB để Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khỏi lạc đề. Ông nói: “ĐB hỏi chất lượng học sử không thấp, kết quả thi thấp là vì sao? ĐB nói như vậy là rõ rồi. Có lẽ bộ trưởng cũng hiểu rồi và cố gắng đi thẳng vào vấn đề”.

Trước câu hỏi về hàng ngàn điểm 0 môn sử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Tôi xin ghi nhận và sẽ xử lý việc này”.

“Chốt” phần chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Bộ trưởng trả lời khá dài, chủ yếu nêu thực trạng, nguyên nhân mà không đưa ra giải pháp cụ thể. Bộ trưởng phải khẳng định thực chất chất lượng thì mới tìm ra nguyên nhân, từ đó mới tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục”.

- ĐB Ya Duck (Lâm Đồng):

Đừng quá nghe cấp dưới báo cáo

Tôi chưa thỏa mãn với cách trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Những câu trả lời của bộ trưởng chủ yếu dựa vào các văn bản, nghị định mà những vấn đề đó thì các ĐB đều đã rõ. Trước khi bộ trưởng trả lời chất vấn phải có sự kiểm tra thật kỹ dưới cơ sở xem họ làm được những gì và còn tồn tại những gì, tháo gỡ ra sao? Cứ ngồi một chỗ, chờ cấp dưới báo cáo mà không nắm vững những khó khăn ở cơ sở thì không ổn. Đến khi ĐB hỏi một đằng, trả lời một nẻo thì sẽ không có hiệu quả và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.

- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi:

Bộ trưởng GD-ĐT chưa khái quát được vấn đề

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa khái quát được chất vấn của ĐB nên trả lời chưa đúng trọng tâm và chưa chọn được nội dung cần thiết để tập trung giải trình. Về các giải pháp mang tính chất đột phá và căn cơ để giải quyết những tồn tại của giáo dục hiện nay, bộ trưởng chưa đưa ra được bởi đây là yêu cầu quá cao. Theo tôi, trả lời chất vấn của bộ trưởng mà đưa ra được giải pháp thì rất tốt. Chúng ta đừng nghĩ cuộc chất vấn này sẽ giải quyết ngay những vấn đề lớn.

- ĐB Lê Nam (Thanh Hóa):
Đã phổ cập ĐH thì còn thi làm gì
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn bỏ ngỏ chất lượng giáo dục ĐH sẽ chuyển biến thế nào. Tôi đi tiếp xúc cử tri, họ bức xúc nhất chính là giáo dục ĐH. Có cử tri nói chua xót rằng con đỗ ĐH mặt đỏ như vang, con tốt nghiệp ĐH mặt vàng như nghệ. Bởi trượt nguyện vọng một, có nguyện vọng hai, trượt hai có nguyện vọng ba… không được thì hạ điểm chuẩn, chính sách ưu tiên. Rồi liên kết, liên thông, giáo dục từ xa, tại chức… tóm lại là kiểu gì thì cũng vào ĐH hết, cho nên chất lượng đầu vào ĐH đang báo động. Tôi nghĩ, đã phổ cập ĐH như vậy rồi thì còn thi làm gì nữa!
(Bảo Trân ghi)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo