Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Ngọc Thắng
Sáng nay 12-6, bên hành lang Quốc hội, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết đối với việc có bỏ sân golf Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay không thì cần được xem xét thấu đáo và thấy việc gì cần thì làm. Việc thu hồi sân golf là thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, do nhu cầu của TP HCM và cả nước, do nhu cầu phát triển. Nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh là việc bình thường.
"Do yêu cầu của cuộc sống, do nhu cầu cấp thiết, thấy cần cho quốc gia, cái gì lợi nhất, cái gì tốt nhất thì cũng phải làm kể cả việc bỏ sân golf Tân Sơn Nhất"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trả lời về quan điểm của mình về dự án sân golf Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: "Nhu cầu đi lại thì quá lớn, sân bay Long Thành thì chưa làm ngày 1 ngày 2. Bây giờ việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và cấp bách rồi, còn phương án mở rộng thế nào do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm. Sân bay mở bên nào, cần lấy ở đâu, cần làm những gì thì Bộ GTVT phải quyết định đầu tiên, khi cần thiết phải lấy diện tích đất sân golf thì phải trình Chính phủ trên cơ sở phải bàn với chủ đầu tư và Bộ Quốc phòng".
Sân bay Tân Sơn Nhất trước nguy cơ quá tải trong tương lai gần - Ảnh: Thế Dũng
Về việc Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời trên Quốc hội cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất muốn mở về phía Bắc là không khả thi, vậy quyết định của Bộ GTVT có phải tham khảo ý kiến của TP HCM, thậm chí là trưng cầu ý kiến người dân? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với phương án mở rộng sân bay và trình Chính phủ để quyết định, dựa trên hiệu quả, dựa trên ngân sách. Tôi nói lại nếu nhu cầu cuộc sống cần đến thì vẫn phải làm thôi".
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành KH-ĐT tuyên bố: "Sắp tới Bộ KH-ĐT sẽ gương mẫu bỏ luôn Quy hoạch sân golf đến năm 2020 (ký phê duyệt từ năm 2009) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Quy hoạch này là 1 loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết theo đúng tinh thần của dự án Luật Quy hoạch đang được Quốc hội cho ý kiến. Bộ KH-ĐT đang trình Quốc hội Luật Quy hoạch theo hướng để các địa phương quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện".
Tuy nhiên, nguyên tắc lập dự án đầu tư sân golf phải tuân thủ nhiều điều kiện, như không được sử dụng đất lúa, không sử đụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa... Miễn là đáp ứng những điều kiện như vậy, không vi phạm thì được quyền làm.
Cùng với đó, việc muốn xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ nhà nước không nên can thiệp. Việc này còn phụ thuộc vào thị trường, thị trường người ta thấy hiệu quả thì người ta làm. Đất cát, đất sình lầy, đất không khai thác thì tại sao mình lại hạn chế để cho hay không cho.
"Tinh thần tới đây là bỏ quy hoạch sân golf sang sang đầu tư có điều kiện, bỏ luôn quy hoạch đó đi để kiểm soát bằng điều kiện"- ông Dũng chia sẻ.
Về lo ngại tình trạng thu hồi đất làm sân golf nhưng sau đó làm biệt thự, nhà hàng, không đúng với chức năng hay nguy cơ tỉnh nào cũng mọc lên sân golf, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong các văn bản quy định làm sân golf là chỉ làm sân golf, khi chủ đầu tư làm sai sẽ phải chịu chế tài bởi các quy định riêng.
"Còn việc tỉnh nào cũng có sân golf thì chả có vấn đề gì, nếu họ có nhu cầu. Nhà đầu tư phải tính toán và chịu trách nhiệm về hiệu quả của mình nên chúng ta không lo thay việc đó. Có điều lập dự án sân golf thì dứt khoát phải làm sân golf"- ông Dũng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trong dự Luật Quy hoạch cũng làm rõ các quy định việc chuyển quy hoạch sân golf thành đầu tư điều kiện, lành mạnh và nhà nước chỉ kiểm soát. Thứ nhất là không được phạm vào đất lúa, đất quốc phòng an ninh, đất bảo tồn văn hóa làm. Thứ 2 là khống chế là mỗi 1 sân gôn là bao nhiêu diện tích để tránh chuyện mà các địa phương hiện nay cấp diện tích lớn hơn nhu cầu thực tế.
"Cái đó là quan trọng nhất mình phải kiểm soát. Ví dụ quy định 1 sân golf người ta trung bình chỉ 70 ha, 1 sân 18 lỗ. Nếu không có quy định đấy người ta cần 100 ha, người ta xin 200- 300 ha để làm việc khác, rất phức tạp. Thực tế chuyện này đã xảy ra nhiều. Nên dứt khoát phải kiểm soát chặt và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm"- ông Dũng nhấn mạnh.
Theo phê duyệt của UBND Q.Tân Bình (TP HCM), khu sân golf và dịch vụ tại sân bay TSN có quy mô 157 ha do Công ty CP đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Trong đó, sân golf chiếm 111 ha có 36 đường golf, còn lại là các công trình phụ trợ (21 ha), khu nhà hàng, khách sạn, trường học (6 ha), biệt thự và căn hộ cao cấp (9,7 ha)...
Bình luận (0)