xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ trưởng ký, phải chịu trách nhiệm

Thế Dũng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ phải xác định rõ địa chỉ trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về mọi quyết định mà mình ký ban hành

Ngày 15-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách với 63 đoàn ĐBQH để góp ý cho dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Cấp xã có quyền ban hành luật?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi). Theo ông Lý, từ góp ý của ĐBQH, UBTVQH đề nghị QH cho giữ phạm vi điều chỉnh của luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đồng thời đổi tên là Luật Ban hành VBQPPL. Nhiều ý kiến đã đồng tình với đề nghị này.

Nhiều ý kiến đề xuất trao quyền ký ban hành văn bản pháp luật cho cấp xã. Trong ảnh: Cán bộ xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tiếp dân Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Nhiều ý kiến đề xuất trao quyền ký ban hành văn bản pháp luật cho cấp xã. Trong ảnh: Cán bộ xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tiếp dân Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đáng chú ý, một trong những nội dung được ĐBQH tranh luận nhiều nhất là thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Mã Điền Cư và ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình đề xuất loại bỏ thẩm quyền của cấp xã. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) và ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) có quan điểm ngược lại: “Không thể lấy lý do cấp xã hay sao chép văn bản cấp trên hoặc ban hành văn bản trái với quy định của văn bản cấp trên mà bác quyền của họ được”.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch đồng tình: “Chúng ta đang mong muốn đẩy mạnh và phát huy dân chủ cơ sở. Vì thế, “lệ làng” mà không trái phép vua, tốt cho người dân, địa phương thì hà cớ gì phải bỏ?”.

Đánh giá dự thảo lần này, ông Trần Du Lịch “làm nóng” nghị trường khi thẳng thắn phê bình: “Tại sao một luật như một công cụ để làm các luật khác mà qua 5 kỳ họp QH từ khóa IX đến khóa XIII mất đến 4 lần phải sửa? Tôi đã đề nghị sửa luật này từ 5-7 năm trước do nhiều bất cập nhưng đến nay, các tồn tại, vướng mắc vẫn còn trong dự thảo”.

Ông Lịch cho rằng vấn đề cốt lõi mà dự thảo này chưa giải quyết được là phân biệt rõ lập pháp với lập quy. “Cơ quan nào có thẩm quyền lập pháp, cơ quan nào lập quy, “quy” ở mức nào? Văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn? Nguyên tắc bất hồi tố, trừ một số trường hợp đặc biệt, cũng cần được luật hóa” - ông Lịch đề nghị.

Bỏ trống cơ quan thuộc Chính phủ

Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục với nội dung xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Một trong những nội dung được đưa ra xem xét, cho ý kiến là quy định về số lượng lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Tiếp thu góp ý, UBTVQH đề nghị quy định rõ số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 4; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về “khoảng trống” quy định đối với các cơ quan trực thuộc Chính phủ trong dự luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ bày tỏ: “Nhiều cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có Ban Cơ yếu Chính phủ chẳng hạn, vẫn đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà lại không thấy quy định trong luật?”.

Theo ông Ngũ, luật cần bổ sung rõ cơ cấu và chức năng của các bộ. “Rất bất hợp lý là luật không thấy quy định cụ thể về cơ cấu Chính phủ mà lại đi quy định về cơ cấu của từng bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục...; trong khi lại quy định cả việc mời ai tham dự phiên họp Chính phủ vào luật này là thừa” - ông phân tích.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự luật chưa làm nổi bật vấn đề “xác định rõ địa chỉ trách nhiệm”. “Dự luật chưa cụ thể hóa tiêu chí đánh giá trách nhiệm của các chức danh Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành. Một vị bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước QH về mọi quyết định mà mình ký ban hành. Còn thứ trưởng phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về đề xuất của mình”- Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Hộ nghèo giảm nhưng chưa vững chắc

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH diễn ra sáng cùng ngày ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8%-6% cuối năm 2014.

Dự kiến đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 5%. Tuy hộ nghèo giảm nhanh nhưng việc giảm nghèo chưa vững chắc, hộ tái nghèo cao, chênh lệnh giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Đáng nói là mặc dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi 60%-70%.

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận chuẩn nghèo hiện nay quá thấp (12 triệu đồng/người/năm) nên trên thực tế, cuộc sống của người thoát nghèo vẫn còn khó khăn. Do đó, trong tháng 9 tới, bộ sẽ trình Chính phủ chuẩn nghèo mới và áp dụng giảm nghèo đa chiều trên cơ sở chú trọng nâng cao 5 tiêu chí: thu nhập, giáo dục và đào tạo, y tế, điều kiện sống (nhà ở, nước sinh hoạt...), tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ cấp xã hội. P.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo