Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nghị định 84 “Cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đề cao tinh thần điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Ảnh chụp qua màn hình
Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra chiều nay (10-6), đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước tình trạng chậm sửa đổi Nghị định 84 về cơ chế điều hành giá xăng dầu, không kiểm soát được “đường đi” của xăng dầu tạm nhập tái xuất khiến các doanh nghiệp lũng đoạn thị trường.
ĐB Lê Thị Nga bức xúc nhắc lại đã nhiều lần nêu trước QH về tình trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh và nhập nhằng lỗ lãi trong quản lý thị trường xăng dầu. “Nhiều lần Bộ Tài chính trả lời quy lỗi cho Nghị định 84 và nhiều lần hứa sửa Nghị định. Tôi đã kiên nhẫn nhiều lần nhưng gần đây, việc đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương càng làm nặng nề hơn tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi” - ĐB Lê Thị Nga bức xúc. Vị đại biểu là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH này yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trách nhiệm của mình về việc không hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 84, đồng nghĩa với việc không hoàn thành cơ chế điều hành giá xăng dầu để dẫn đến những bất cập trên thị trường như hiện nay.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lại khẳng định Nghị định 84 “Cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đề cao tinh thần điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Bộ trưởng dẫn chứng trước đây, giá xăng dầu có lúc giật cục tăng sốc, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, gây sức ép lên lạm phát do “Lúc lẽ ra phải tăng nhưng vẫn giữ thấp, đến khi thả ra giật cục tăng cao”. Nhưng một năm gần đây, giá bán lẻ xăng dầu cơ bản đã theo thị trường, được điều hành rất thường xuyên nên tránh gây sốc lên kinh tế vĩ mô và lạm phát.
Quỹ bình ổn giá cũng phát huy tác dụng khi được sử dụng như một cái van điều tiết khi giá xăng dầu lên cao, xuống thấp. “Khi ở Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi đánh giá rất cao Quỹ này. Bản chất người tiêu dùng vẫn phải trả đủ giá nhưng tránh được bước tăng sốc cho nền kinh tế” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Về việc chậm sửa đổi Nghị định 84, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa trách nhiệm sang cho Bộ Công Thương khi nói rằng Bộ Công Thương được giao trách nhiệm chủ trì, Bộ Tài chính chỉ có vai trò phối hợp. Bộ trưởng giãi bày vào tháng 6-2014, Thủ tướng Chính phủ đã nghe báo cáo về Dự thảo thay thế Nghị định 84 và đã có kết luận. Theo tiến độ, Văn phòng Chính phủ sẽ có chỉnh sửa lần cuối để ban hành trong thời gian rất ngắn, dự kiến khoảng “tháng này hoặc tháng sau”.
Thay đổi cơ bản trong dự thảo Nghị định 84 mới là rút ngắn chu kì tính giá cơ sở xuống còn 15 ngày (hiện nay là 30 ngày) và khoảng cách giữa các đợt tăng/giảm giá chỉ còn 10 ngày (hiện nay là 15 ngày). “Vừa qua, hai Bộ Tài chính - Công Thương vẫn còn rụt rè trong điều hành giá. Chúng tôi đề nghị phải điều hành mạnh dạn hơn. Mạnh nữa là thả cho doanh nghiệp định giá” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Đại biểu Lê Thị Nga: Việc đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương càng làm nặng nề hơn tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi
Trước nhận xét của ĐB Lê Thị Nga là Bộ Công Thương “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi giữ trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói việc này là bình thường, vì Luật Giá quy định Bộ quản lý ngành điều hành về giá cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hướng dẫn và vẫn song hành trong quá trình này. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận câu chuyện điều hành giá xăng có rất nhiều chuyện phải suy nghĩ, sao cho điều hành đúng, trúng theo thị trường.
ĐB Lê Thị Nga "truy" tiếp trách nhiệm Bộ Tài chính đã yếu kém trong quản lý xăng dầu tạm nhập tái xuất, không chống được hiện tượng thất thu thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu để giảm gánh nặng giá cho dân.
Tuy nhiên, trong phần trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lại khẳng định đã có tiến bộ một bước cả về thể chế và triển khai thực hiện trong công tác quản lý hàng tạm nhập tái xuất. Ngành Hải quan đã “sử dụng các biện pháp rất nghiệp vụ” để lập được 3 chuyên án, khởi tố các vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất ở trên biển và cửa khẩu đường bộ với trị giá khoảng 70 tỉ đồng, chuyển cơ quan công an điều tra tiếp.
“Chia lửa” với tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn nói: “Bản thân Bộ Công Thương không muốn sự thay đổi này. Chúng tôi đã đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương chỉ phối hợp như hiện hành. Nhưng Bộ Tài chính hiện nay không phải cơ quan quyết định mà chỉ là Tổ trưởng Tổ điều hành liên ngành. Nghĩa là nếu Bộ Công Thương không đồng ý thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chấp hành quyết định của Thủ tướng phân công làm đầu mối thì chúng tôi sẽ phối hợp trong điều hành giá”.
ĐB Lê Thị Nga xin được đứng lên phát biểu chỉ để lưu ý Chính phủ cần thận trọng khi chuyển việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương, vì Bộ này hiện vừa là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - doanh nghiệp chi phối thị trường, vừa là cơ quan chủ quản của Cục Quản lý cạnh tranh và lực lượng quản lý thị trường. Cho dù là toàn quyền điều hành tương đối nhưng về nguyên tắc, ai được giao nhiệm vụ mà có xung đột về trách nhiệm và thẩm quyền là khó khách quan.
Bình luận (0)