“Về Việt Nam làm sướng hơn!”
Anh Phạm Đình (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) hiện làm việc cho một công ty du lịch lữ hành chuyên đưa khách Trung Quốc (TQ) ở TP Nha Trang. Trước đây, anh từng sinh sống, làm việc ở Đài Loan nhiều năm. Theo anh Đình, người Việt xuất khẩu lao động qua đây phải làm 12 giờ/ngày; một số người bị chủ đối xử bất công, trừ tiền lương vô lý nhưng không dám phản ứng.
Cuối năm 2015, khi về Việt Nam thăm nhà, anh Đình biết tin TP Nha Trang đang thiếu hụt nghiêm trọng hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung nên vào Nha Trang ứng tuyển. Có bằng cấp phù hợp, thông thạo tiếng Trung nên chỉ sau một lần phỏng vấn, anh Đình được nhận việc. “Tôi quyết định nghỉ việc ở Đài Loan vào Nha Trang làm. Công ty tạo điều kiện cho làm thông dịch viên, sau đó cho đi học thêm nghiệp vụ. Đến nay, công việc khá ổn định, thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Số tiền này tương đương với một lao động chất lượng cao ở Đài Loan” - anh Đình nói.
Còn anh Trần Ngọc Giang (35 tuổi, quê Nghệ An; HDV tiếng Trung ở Nha Trang) cũng từng học tập và làm việc tại TQ suốt 8 năm. Anh Giang cho hay số người lao động Việt làm việc ở TQ rất nhiều. Một số người còn làm việc “chui”, thu nhập bấp bênh từ 7-15 triệu đồng/tháng. “Với thu nhập của một phiên dịch hoặc HDV tiếng Trung như hiện tại ở Nha Trang thì không làm gì ở TQ bằng được. Làm ở đây quá sướng!” - anh Giang bộc bạch.
Hiện các công ty lữ hành trong nước đang thiếu HDV du lịch tiếng Trung nên bạn bè của anh Giang cũng tính bỏ việc ở TQ để về Nha Trang làm du lịch.
Cần người giỏi để quản lý tốt
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang có 27 đơn vị lữ hành quốc tế đưa khách TQ nhưng chỉ có 44 HDV tiếng Trung. Trong khi đó, lượng khách TQ đến địa phương này năm 2016 đạt kỷ lục với gần 543.000 lượt, tăng gấp 3 lần năm 2015.
Ông Trương Văn Thọ, Giám đốc Công ty Vietnamtourism Charter JSC Chi nhánh Nha Trang, khẳng định do HDV tiếng Trung thiếu nghiêm trọng nên nhiều đơn vị lữ hành sử dụng HDV người TQ không phép, thậm chí có cả HDV TQ tự do, ai thuê thì làm… Công ty đang liên kết với Viện Đại học Mở Hà Nội để đào tạo sinh viên tiếng Trung. Khi ra trường, sinh viên có thể được cấp thẻ HDV.
Hiện nay, các phiên dịch viên, HDV người Việt bắt đầu đổ về Nha Trang nhiều nên tình hình bớt căng thẳng. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh hoan nghênh việc lao động người Việt ở nước ngoài về nước làm việc, miễn sao phù hợp với tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp và quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cũng khẳng định nhiều trường đại học ngoại ngữ, sư phạm đều có khoa tiếng Trung. Các địa phương, doanh nghiệp chỉ cần liên kết là có ngay lượng nhân sự dồi dào.
Bình luận (0)