xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bóng hồng của “những người lính lịch sử”

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Phía sau bốn người lính trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 là những người vợ với trái tim đầy tin yêu

Sáng 18-4, trong khi bốn chiến sĩ năm xưa đang ngồi trong Hội trường Thống Nhất kể lại cho hàng trăm học sinh nghe khoảnh khắc xe tăng của mình húc tung cổng Dinh Độc Lập, cách đó vài trăm mét, trong một nhà khách, những người vợ của họ ngồi với nhau, rơm rớm nước mắt nhớ lại một thời khổ cực “vợ hậu phương ngóng chồng tiền tuyến”.

img
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Tiến (vợ của lái xe 390 Nguyễn Văn Tập), bà Nguyễn Thị Ngọc (vợ pháo thủ Lê Văn Phượng),
bà Nguyễn Thị Bé (vợ pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên) và  bà Nguyễn Thị Đông (vợ trưởng xe Vũ Đăng Toàn)


Xe tăng và phấn màu


Những “người lính lịch sử” trên gồm: trưởng xe tăng 390 - trung úy Vũ Đăng Toàn; pháo thủ 1- trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; đại đội phó kỹ thuật, pháo thủ số 2 - thiếu úy Lê Văn Phượng; lái xe - trung sĩ Nguyễn Văn Tập. Bao nhiêu năm qua, những người vợ của họ chỉ được biết chiến công của chồng qua... phim, ảnh.


Trưa 18-4, đôi mắt những người vợ rất lạ khi được tận mắt nhìn chiếc xe tăng 390 trưng bày trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất. Cả bốn người lại gần chiếc xe tăng lịch sử xuýt xoa như gặp “tri kỷ”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ pháo thủ Lê Văn Phượng, nhớ lại: “Thời chiến tranh, hằng ngày đọc báo được biết bộ đội giải phóng đi đến đâu là tôi và bạn bè lại dùng bút màu tô đến địa điểm đó trên bản đồ VN. Năm 1971, cưới nhau được 2 ngày là anh đã lên đường đi đánh Mỹ”.

Vợ lái xe 390 Nguyễn Văn Tập cũng cho biết mình mới sống đời vợ chồng được 10 ngày thì chồng cũng ra  mặt trận. Còn bà Nguyễn Thị Đông, vợ trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, hạnh phúc hơn vì ở bên chồng “được tới” 26 ngày sau khi cưới.

Chị kể: “Chồng đi đằng đẵng, hằng đêm đọc thư chồng mà nước mắt cứ chảy hoài. Rồi một ngày tôi nghe đài đưa tin quân ta thắng lớn. Tôi thầm nghĩ thế là anh sắp về”!


“Đã được anh bù đắp”


“Chồng đi chiến đấu, một mình tôi chăm sóc bố mẹ già yếu. Làm cật lực nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc cứ tưởng mình không thể gánh vác nổi vai trò của người vợ chốn hậu phương” - bà Nguyễn Thị Đông bộc bạch.
 
Giải phóng, anh về. Chín năm sau bà bị rối loạn thần kinh thực vật, cơ thể suy nhược, mất ngủ triền miên. Tình thế đó buộc trưởng xe tăng 390 phải làm đơn nghỉ theo chế độ.

Ngồi nói chuyện với tôi, mắt bà Đông đỏ hoe khi nhớ cảnh chồng mình rời quân ngũ về nhà làm đủ thứ nghề để nuôi gia đình. “Hết làm đậu phụ, anh ấy chuyển qua làm bánh đa rồi chăn nuôi, làm ruộng thậm chí có lúc buôn sắt vụn”.
 
Ông Toàn cho biết hiện nay gia đình ông đang sống trong một căn nhà cũ kỹ ở tỉnh Hải Dương. “Kinh tế gia đình bấp bênh nhưng một mái nhà tranh hai trái tim vàng” - ông Toàn  dí dỏm.


“Tôi chưa thấy ai thương vợ như anh ấy: hái lá nấu nước cho tôi gội đầu, xách nước cho tôi tắm... Đàn ông mấy ai chịu làm chuyện đó!” - bà Ngọc khoe. Sau chiến tranh, từ một anh pháo thủ, thiếu úy Phượng chuyển sang nghề hớt tóc. “Hàng chục năm ở với nhau, anh ấy không hề lớn tiếng với tôi. Tôi đã được bù đắp rất nhiều!” - bà Ngọc bùi ngùi.


Chiến tranh đi qua 35 năm, song những bộn bề lo toan về cuộc sống vẫn còn ở trước mắt. Nhất là do hoàn cảnh riêng, sau chiến tranh, các anh đều không theo binh nghiệp. Trong khi đó làm kinh tế không giỏi nên chẳng nhà nào có được đời sống khá giả. Có ông hiện nay mỗi tháng hưởng trợ cấp chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi những người vợ: “Các chị có gì nuối tiếc khi chọn lính làm chồng hay không?”, chị Ngọc đại diện trả lời tôi một cách dí dỏm  bằng việc đọc ba câu thơ: “Em thích lấy chồng bộ đội cơ/ Lấy chồng bộ đội để mà mơ/ Mơ nhiều chiến công thắm ngọn cờ”.

Khoảnh khắc huyền thoại!


“Sáng 30-4,  cuộc chiến đấu trên cầu Sài Gòn diễn ra ác liệt, 3 xe tăng của ta bị cháy... Xe 390 lao lên vượt qua những chướng ngại vật và tiến về ngã tư Hàng Xanh rồi rẽ trái theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến đầu cầu Thị Nghè, chúng tôi phát hiện  xe 387 của ta bị thương, một chiến sĩ bộ binh đi cùng xe hy sinh. Lúc này, xe 390 dẫn đầu đội hình... Khi xe 390 tiến sát cổng chính Dinh Độc Lập, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi tôi: “Thế nào anh Toàn”, tôi ra lệnh cho đồng chí Tập nhấn ga, xe 390 chồm lên húc tung cánh cổng, tiến thẳng vào sân dinh.


Hình ảnh cổng Dinh Độc Lập bị đổ sập là biểu tượng cho sự toàn thắng của ta và thất bại của Mỹ - Ngụy. Để có được giây phút vẻ vang đó, bao đồng đội của tôi đã nằm xuống!”.

(Lời kể của trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo