Ngày 25-4, Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định (nay là Ban Công tác người Hoa TPHCM) đã long trọng tổ chức lễ mừng công được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Danh hiệu cao quý này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao cho Ban Hoa vận vào ngày 17-4, tại Nhà hát TPHCM.
Ông Nghị Đoàn, nguyên trưởng Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định (thứ hai từ trái qua)
và ông Lâm Tư Quang, nguyên phó ban (thứ ba từ trái qua), tại lễ mừng công
“Cấy” cơ sở giữa lòng địch
Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được thành lập năm 1967 trên cơ sở kế thừa Ban Cán sự công vận người Hoa.
Ông Nghị Đoàn, nguyên trưởng Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kể: “Năm 1959, Ban Cán sự công vận người Hoa ra đời và đã kiên trì “cấy” cơ sở cách mạng vào cộng đồng người Hoa ở TP. Nhờ vậy, đến những năm 1966-1967, hàng chục chi bộ Đảng đã hình thành tại các xí nghiệp, xóm lao động, trường học có đông người Hoa sinh sống”.
Cũng theo ông Nghị Đoàn, trong những năm 1960, các chi bộ Đảng này đã huy động đông đảo công nhân, lao động, đồng bào người Hoa phối hợp với các tầng lớp nhân dân khác của TP tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chính trị lớn.
Tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống sa thải của 800 công nhân Xí nghiệp Dệt Vimytex (nay là Công ty CP Dệt Việt Thắng), trong đó công nhân người Hoa chiếm trên 60%, vào ngày 17-4-1964.
Cuộc đấu tranh này diễn ra dai dẳng trong nhiều tháng và kéo theo cuộc tổng đình công, biểu tình của 5 vạn công nhân toàn TP vào ngày 21 và 22-9-1964.
Thành tích nổi bật trong đấu tranh chính trị chống Mỹ của Ban Hoa vận là tổ chức được một xưởng in bí mật ngay trong lòng TP. Xưởng in được bố trí tại nhà số 341/10 Gia Phú, phường 1, quận 6.
Ông Nghị Đoàn cho biết: “Xưởng là một cái hầm dài 2,2 m, rộng 1,6 m, sâu 1,2 m, chứa khoảng 4 người. Xưởng đã từng in các bản tin Giải Phóng, báo Công Nhân, báo Giải Phóng và bản Di chúc của Bác Hồ bằng tiếng Hoa”.
Suốt 10 năm tồn tại (1965 - 1975), xưởng in bí mật của Ban Hoa vận đã góp phần tích cực vào việc phổ biến các tài liệu, tin tức cũng như tuyên truyền chỉ thị, chủ trương của Đảng đến với các chiến sĩ và đồng bào người Hoa ở vùng Sài Gòn - Gia Định và nhiều nơi khác.
Năm 1967, ông Trần Khai Nguyên, người của xưởng in, bị bắt, bị tra tấn đến chết vẫn không khai ra xưởng in.
Xưởng in bí mật dưới nền nhà số 341/10 Gia Phú, phường 1, quận 6 - TPHCM.
Ảnh tư liệu của Ban Công tác người Hoa TPHCM
Chiến công oanh liệt
Đầu năm 1964, Ban Hoa vận đã thành lập hai nhóm vũ trang nội thành chia ra hoạt động ở bên trong và bên ngoài các nhà máy, xí nghiệp và đến năm 1966 thành lập thêm đội vũ trang xóm lao động và tổ an ninh nội thành.
Từ khi được thành lập cho đến ngày 30-4-1975, những nhóm vũ trang Hoa vận đã liên tục tập kích, tiến công địch hơn 100 trận. Tiêu biểu là trận tập kích Trường Sinh ngữ Không quân ở góc đường Nguyễn Văn Đừng (hiện nay là đường Trần Hưng Đạo) vào tháng 8-1969.
Ông Lâm Tư Quang, nguyên phó Ban Hoa vận, nhớ lại: “Một trong 7 chiến sĩ của lực lượng vũ trang người Hoa được trang bị thủ pháo, 100kg thuốc nổ TNT ngụy trang trên xe ba gác đã bất ngờ đẩy xe qua cổng trường rồi giật nụ xòe và rút lui dưới sự yểm trợ của đồng đội. Trận tập kích làm chết và bị thương hơn 100 sĩ quan không quân của Mỹ - ngụy, được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tặng thưởng Huân chương Chiến công”.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Hoa vận, các nhóm vũ trang người Hoa còn tiến hành nhiều trận tập kích khác khiến địch phải khiếp đảm như trận tập kích Tòa Đại sứ Đài Loan (góc đường Hàm Nghi – Pasteur) sáng 19-9-1967, trận tập kích bót Bà Hòa (góc đường Hùng Vương – Dương Tử Giang) vào đêm mùng một Tết Mậu Thân (1968), trận tập kích và làm chủ hoàn toàn Tòa Hành chính quận 5 rạng ngày 5-5-1968, mở màn cho đợt 2 của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân...
Thành tích vẻ vang của Ban Hoa vận trong kháng chiến chống Mỹ có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào người Hoa TP. Nhà nước đã phong 8 bà mẹ VN anh hùng, 4 anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; công nhận 235 liệt sĩ; ghi nhận gần 1.000 người đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày và hàng trăm người nphải gánh chịu nhiều thương tật do chiến tranh.
Bà Dao Nhiễu Linh, Trưởng Ban Công tác người Hoa TPHCM: Di sản vô giá
|
Bình luận (0)