Chiều 28-4-1975, đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, ra lệnh cho Phi đội Quyết Thắng bắt đầu cất cánh lúc 16 giờ 30 phút từ sân bay Thành Sơn - Phan Rang để thực hiện phi vụ đặc biệt đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Cùng ngày, phái viên Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã tường thuật lại phi vụ này tại sân bay Thành Sơn. Cuộn băng ghi âm khoảng 60 phút nhan đề Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất ghi lại những thời khắc sôi động, hào hùng đã trở thành một chứng tích lịch sử trong Bảo tàng Truyền thống của Bộ đội Phòng không - Không quân VN.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương phi đội Quyết Thắng. Ảnh: TƯ LIỆU
Tập kích bất ngờ
Đoạn đầu băng ghi âm rộ lên tiếng động cơ và tiếp đó là giọng người tường thuật: “Đó là tiếng máy bay A37 đang phát động để các nhân viên kỹ thuật mặt đất kiểm tra lần cuối trước khi xuất kích”.
Sau đó, giọng nói trang nghiêm, dõng dạc của đại tá Lê Văn Tri vang lên: “Tôi thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết Thắng: Một, phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao một cách xuất sắc. Hai, tập trung toàn bộ lực lượng đánh vào khu tập trung máy bay của quân ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất”.
Băng ghi âm phát tiếp lời phi công Nguyễn Thành Trung bày tỏ quyết tâm: “Tôi thay mặt Phi đội Quyết Thắng xin hứa quyết tâm đánh thật bất ngờ, đánh thắng và mang lại kết quả nhiều nhất”. Tiếng vỗ tay đồng loạt kéo dài trong phòng họp.
Giọng người tường thuật hối hả trên nền tiếng động cơ máy bay vang rền: “Bây giờ là 16 giờ 30 phút, Nguyễn Thành Trung số 1 dẫn đầu, Từ Để số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On số 4, Hán Văn Quảng số 5... Bắt đầu xuất kích!”. Tiếng động cơ máy bay rít lên như xé không gian rồi xa dần...
Lát sau, băng ghi âm vang lên giọng nói bồn chồn của người tường thuật tại sân bay Thành Sơn: “Mọi người có mặt tại sân bay lúc này đang hồi hộp chờ đợi phi đội xuất kích trở về... Bây giờ là 18 giờ 30 phút. Đây rồi! Trên bầu trời từ xa, chúng tôi thấy xuất hiện 2 chiếc A37 đầu tiên bật đèn đỏ xin hạ cánh. Cả sân bay chúng tôi đang hướng về phía đường băng. Tiếng động cơ đã vang trên bầu trời sân bay... Kìa, chiếc thứ ba cũng đã về! Kia nữa, chúng tôi đã thấy 2 chiếc cuối cùng đang nối tiếp nhau bay về. Thế là toàn Phi đội Quyết Thắng đã trở về đầy đủ”.
Tiếng động cơ máy bay vang to dần rồi bị át bởi tiếng nói cười rộn rã, hân hoan của các phi công mới hạ cánh cùng những người ở mặt đất.
Tân Sơn Nhất tê liệt
Sau đây là tóm lược lời thuật lại trận đánh của các phi công được ghi âm tại sân bay Thành Sơn:
Bay dẫn đầu, vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thành Trung báo mục tiêu cho toàn phi đội rồi nhắm đúng khu tập trung máy bay quân sự bổ nhào xuống cắt bom nhưng bom không rơi.
Trong ống nghe bên tai các phi công bỗng dội vào tiếng nói nhốn nháo, xôn xao của đám lính truyền tin trên đài không lưu ở sân bay. Rồi có tiếng quát tháo của một sĩ quan ngụy: “A37 của phi đoàn nào?”.
Lúc này, Từ Để vẫn bay sát máy bay số 1 nối tiếp bổ nhào xuống cắt bom. Vừa nghe chúng hỏi vậy, anh liền trả lời: “Của phi đoàn
Lục, Quảng, Vượng và On cũng lần lượt nhào xuống cắt bom. Nguyễn Thành Trung quay lại lần thứ ba và cắt luôn cả 4 quả cùng lúc. Tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát những đám lửa, cột khói cuồn cuộn.
Trong trận tập kích bất ngờ này, Phi đội Quyết Thắng đã đánh trúng cả khu máy bay chiến đấu, phá hủy 24 chiếc các loại, một kho nhiên liệu chứa đầy xăng bốc cháy, hơn 200 lính ngụy chết, hàng trăm tên khác bị thương, số sống sót đều bỏ chạy tán loạn. Căn cứ Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt.
Sau ngày giải phóng miền Nam, từ Hà Nội vào Sài Gòn mừng chiến thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gặp gỡ biểu dương, khen ngợi các phi công trong Phi đội Quyết Thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi một chiến công oai hùng của nkhông quân VN trong Mùa Xuân Đại thắng 1975.
Dùng máy bay địch đánh địch
|
Bình luận (0)