Đi vào hoạt động từ đầu tháng 7-2014, trạm này đặt trên Quốc lộ (QL) 1, đi qua địa bàn xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và nằm cách đường tránh cả chục km.
Dân kêu suốt 3 năm
Ngày 15-8, một số hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc hai bên trạm thu phí cho hay: Ngoài hoạt động kinh doanh, vận tải, họ phải mất phí mỗi khi qua trạm thăm nhau. Tính ra, chỉ để qua lại bình thường trong khu vực, mỗi tháng, tự dưng họ mất hàng triệu đồng.
Xe đi vào khu dân cư để trốn trạm thu phí đường tránh TP Biên Hòa
Theo một chủ cửa hàng kinh doanh đồ nội thất, mỗi lần giao hàng hóa cho người dân bên kia trạm, ông phải chi 2 lượt phí liên tiếp. Mỗi tháng, ông mất 2,1 triệu đồng (vé tháng mỗi xe là 1.050.000 đồng/xe) dù không đi tuyến tránh TP Biên Hòa. Chưa kể khi chuyển hàng hóa với số lượng lớn, có nhiều xe, nhất là dịp lễ, Tết, ông phải trả tiền vé cho trạm này cả chục triệu đồng.
Còn một tài xế chạy tuyến cố định từ trung tâm huyện Trảng Bom về Tỉnh lộ 769 than rằng anh chưa bao giờ biết đến đường tránh TP Biên Hòa nhưng hằng tháng vẫn tốn cả triệu đồng tiền mua vé. Do trạm thu phí đặt nơi tập trung đông dân cư, lại trước trung tâm hành chính huyện nên khi người dân hoặc cán bộ vào trung tâm hành chính huyện hay từ đây lên trung tâm hành chính tỉnh thì đều phải mua vé, dù không hề đi tuyến đường tránh.
Theo các tài xế, họ từng phản ứng rất mạnh về trạm này nhưng rồi mọi việc đâu vẫn vào đấy. "Trạm thu phí đặt ngay vị trí có thể coi là tâm điểm của đoạn đấu nối tuyến đường Bắc - Nam, QL20, Tỉnh lộ 769… Kiểu "thắt yết hầu" như thế khiến đi từ hướng nào cũng đụng trạm. Trước đây, nhiều người lên tiếng phản đối nhưng đâu lại vào đấy. Chúng tôi mong có sự xem xét, giải quyết để không xảy ra lộn xộn" - tài xế Nguyễn Đức Nhân nói.
Rối loạn cả khu vực
Từ khi trạm thu phí đường tránh đặt tại đây, xe cộ liên tục trốn trạm đi vào các đường dân sinh. Tại ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, xe né trạm đi vào khu dân cư khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Người dân đã tự dựng những thanh chắn, trạm barie để ngăn các xe lớn. Vì thế, hiện chỉ có xe dưới 7 chỗ và thuộc đường trong khu dân cư mới có thể đi vào.
Ông Trịnh Hữu Nghị, người được giao giữ chìa khóa barie, kể rằng nếu xe vào khu dân cư nhưng không qua được thanh chắn thì phải tìm đến ông. Nếu xe có lý do chính đáng, ông mới mở barie. "Phải làm như vậy để giữ đường cho làng xóm và bảo vệ cuộc sống người dân vì đây là đường của khu dân cư, do dân đóng góp, thả ra là hư hỏng ngay. Vậy mà người ta nhân ban đêm phá đi thanh chắn, sau đó chúng tôi phải làm lại…" - ông Nghị nói.
Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, trạm thu phí đường tránh đặt giữa khu dân cư đông đúc, xung quanh có 5 trường học. Trạm thu phí đặt không hợp lý, người dân kêu từ lâu nhưng không thấu!
Về vấn đề này, chiều 15-8, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), khẳng định: "Chúng tôi đang rà soát lại, sẽ rà soát lại".
"Đèo" thêm một đoạn
Tuyến tránh TP Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) dài 12,2 km, điểm đầu giao QL1A (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) và điểm cuối giao QL51 (phường Long Bình, TP Biên Hòa). Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, trong quá trình thực hiện dự án đã "đèo" thêm một đoạn cải tạo QL1 và sau đó trạm thu phí thu hồi vốn được đặt trên QL1 thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom.
Bình luận (0)