Theo tài liệu phóng viên Báo Người Lao Động thu thập được, vào năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Quyết định 2174 lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ (QL) 1 qua thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Thay đổi tên dự án
Ngày 19-9-2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký quyết định công bố danh mục dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Tên dự án nêu rõ "Tuyến tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Chiều dài tuyến tránh 12 km, tổng mức đầu tư 1.700 tỉ đồng".
Tuyến tránh Cai Lậy có hình vòng cung dài 12 km Ảnh: LÊ PHONG
Sau đó, Bộ GTVT ra văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ xin chủ trương đầu tư tuyến tránh qua Cai Lậy theo hình thức BOT do nguồn ngân sách rất khó khăn. Ngày 18-10-2013, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ thống nhất với Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương triển khai tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT.
Sau khi nhận văn bản này, ngày 11-11-2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT. Văn bản này không hề có nội dung "Tăng cường mặt QL1" như chủ đầu tư giải thích với tài xế trong những ngày qua tại Trạm thu phí Cai Lậy.
Đến ngày 19-12-2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên dự án từ "Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang" thành "Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng vốn đầu tư dự án này là 1.398 tỉ đồng. Trong đó, chiều dài tuyến tránh là 12 km; chiều dài phần bảo trì, tăng cường mặt QL1 là 26,5 km".
Dời vị trí đặt trạm
Trong dự án này, chủ đầu tư xây dựng mới 7 cây cầu trên tuyến tránh 12 km. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 15-8, trên đường tránh này không có 2 cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương. Ngoài ra, cả vị trí đặt trạm thu phí hiện nay cũng không đúng với vị trí ban đầu khi lập dự án. Trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến tránh và tăng cường mặt QL1 ghi rõ trạm thu phí đặt vị trí tại km 1999+900 nhưng hiện nay, trạm thu phí đặt tại Km 1999+300.
Cũng theo tài liệu này thì ngày 26-8-2015, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy lập biên bản khảo sát thay đổi vị trí đặt trạm thu phí. Lý do: Vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999+900 có tổng số 32 hộ, diện tích đất thổ cư nhiều, vị trí này chưa giải quyết dứt điểm các hộ khiếu nại thuộc dự án nâng cấp mở rộng QL1 năm 2005. Nếu đặt ở đây sẽ bị khiếu nại tiếp nên thống nhất dời vị trí km 1999+300.
Sau đó, ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, có văn bản gửi Sở GTVT, UBND tỉnh xin dời trạm thu phí về vị trí hiện nay. Sở GTVT đề xuất và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Bộ GTVT và được chấp thuận.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 15-8, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc nhiều hộ dân ở khu vực km 1999+900 thì họ cho biết: "Lúc đó, mấy ổng đến hỏi mua đất, chúng tôi nói bán theo giá thị trường chứ đâu có ai khiếu nại gì!".
Hai cây cầu biến đi đâu?
Chiều 15-8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư dự án), giải thích ngày 19-12-2013, Bộ GTVT ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình QL1 và đoạn tránh thị trấn Cai Lậy với 7 cây cầu xây mới.
"Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Địa phương đã đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu gồm Ông Thiệm và Chín Chương thành cống hộp. Cái này có văn bản phê duyệt, chấp thuận từ bộ (Bộ GTVT - PV) hết rồi. Điều chỉnh công năng cụ thể rồi" - ông Hiệp nói.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cũng xác nhận ở đường tránh Cai Lậy hiện chỉ có 5 cây cầu.
Thăm dò ý kiến
Thử đề xuất hướng xử lý vụ trạm BOT Cai Lậy:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)