Lần đầu tiên “bức tranh” về bức cung, nhục hình dẫn tới oan sai trong tố tụng hình sự đã được thông tin khá đầy đủ tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 11-9, với sự tham gia của Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao.
Nhục hình có xu hướng gia tăng
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, trong 3 năm từ 2011-2013 đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an Nhân dân và bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình; không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung. Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, nhận định số vụ án nhục hình có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây: năm 2011 tòa án thụ lý 1 vụ với 2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ với 7 bị cáo và năm 2013 thụ lý 5 vụ với 14 bị cáo. Còn báo cáo của VKSND Tối cao cho rằng số vụ bức cung, nhục hình được đưa ra xử lý chưa phản ánh hết tình hình thực tế.
Những đánh giá của 3 cơ quan tư pháp trung ương lập tức gặp phải phản biện của các đại biểu. “Theo báo cáo của TAND Tối cao, 90% các vụ án cán bộ điều tra bức cung, nhục hình nhưng khi xét xử, tòa án không áp dụng phạt tù thì thử hỏi án tuyên đã nghiêm khắc chưa và TAND Tối cao có xem xét kháng nghị không ?” - ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết rất băn khoăn và không rõ Bộ Công an đã có đánh giá hậu quả của việc bức cung, nhục hình cũng như sự hài lòng của người dân đối với cơ quan mình hay chưa? Còn ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đề nghị làm rõ trong thời gian gần đây số nghi can, bị can chết trong trại giam là bao nhiêu và liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên không?...
Trả lời ông Hiện, ông Nguyễn Sơn cho biết số vụ án dùng nhục hình không nhiều, trong đó có một số bản án theo báo cáo cho thấy hình phạt nhẹ. Tuy nhiên, đến nay các vụ án này đều đã hết thời hiệu tăng nặng hình phạt. Sau khi xét xử cũng không có kháng cáo nên TAND Tối cao không phát hiện.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, lý giải việc cơ quan này đưa ra đánh giá “số vụ bức cung, nhục hình chưa phản ánh hết tình hình thực tế” hoàn toàn phù hợp bởi tội này thường xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu trong giai đoạn tiền khởi tố vụ án. “Nhiều trường hợp khi kết thúc điều tra không có tố cáo nhưng trong hồ sơ kết thúc điều tra gửi sang viện kiểm sát hoặc ra tòa mới tố cáo bị bức cung, nhục hình. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy để tìm ra được bằng chứng và xử lý là rất khó nên chúng tôi dùng từ “chưa phản ánh hết” là vì vậy” - ông Phong lý giải.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định áp lực trong cơ quan điều tra rất nhiều, rất lớn. “Tiêu cực có hay không, tôi trả lời là có nhưng với tư cách Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, tôi khẳng định cơ quan điều tra ở bộ chỉ chịu sức ép do công việc căng thẳng, truy tìm chứng cứ, còn áp lực khác như can thiệp gây sức ép là không có, không có chuyện vụ này thì xử, vụ kia thì không” - Thượng tướng Vương nói.
Sẽ khởi tố một số cán bộ liên quan đến án oan
Trước những chất vấn về việc bỏ lọt tội phạm trong vụ dùng nhục hình ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), ông Nguyễn Hải Phong cho biết sau khi bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có kiến nghị và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo 3 ngành tố tụng trung ương xem xét lại vụ án, liên ngành VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an đã thành lập tổ công tác. “Tôi là trưởng đoàn, trực tiếp đi Phú Yên nghe các cơ quan báo cáo cụ thể sự việc. Chúng tôi đã chỉ đạo kháng nghị và bổ sung ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Phong nói.
Đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Nguyễn Sơn cho biết đã chỉ đạo Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiến hành thương thảo để bồi thường oan sai. Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Phong cho biết sắp tới sẽ tiếp tục khởi tố thêm 2 cán bộ nữa do làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang thuộc diện phong cấp tướng nhưng vừa rồi phải đình lại, không xem xét nữa” - Thượng tướng Lê Quý Vương nói. Ông cũng cho biết việc xem xét trách nhiệm trong hoạt động tư pháp đang được VKSND Tối cao thực hiện bởi khi xảy ra vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang lúc ấy đang giữ chức phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT.
Theo ông Nguyễn Hải Phong, sau vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn đã xuất hiện khá nhiều đơn, thư gửi đến cả 3 ngành. Đến nay, 3 ngành đã kháng nghị, xử lý thêm 8 vụ việc khác có dấu hiệu oan sai, chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn. Trong đó ở Bắc Giang có 2 trường hợp của bà Đỗ Thị Hằng phạm tội mua bán người và ông Hàn Đức Long phạm tội hiếp dâm trẻ em, giết người (Báo Người Lao Động đã phản ánh - PV) cùng 6 vụ việc khác liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) kháng nghị hủy án sơ thẩm điều tra lại, vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) đang trong giai đoạn xem xét lại theo chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao, vụ ông Lưu Văn Diệm ở Vĩnh Phúc án tuyên không có căn cứ…
Do yếu tố con người
Trước nhiều đề xuất lắp camera ở phòng hỏi cung, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhục hình nhưng tựu trung là do yếu tố con người. “Yếu tố con người ở đây chính là phẩm chất cán bộ, cụ thể là đạo đức, không nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng thành tích, nóng vội” - ông Vương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Phong nhận định: “Dù có lắp máy móc gì đi nữa mà ý thức tuân thủ pháp luật kém, làm qua loa cho nhanh thì vẫn còn nhục hình. Việc sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự sắp tới sẽ có nhiều nội dung mới để chống oan sai, chống lọt tội phạm. Ở đâu oan sai, bỏ lọt thì viện trưởng chịu trách nhiệm và ở đâu có bức cung, nhục hình thì thủ trưởng CQĐT phải chịu trách nhiệm... thì án oan sẽ giảm rất nhiều”.
Bình luận (0)