Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết các lực lượng chức năng đã bắt giữ 5.428 vụ với trên 5,1 triệu bao thuốc lá lậu, khởi tố 108 vụ với 176 đối tượng, thu giữ 1.429 xe máy các loại, 22 xuồng cao tốc, 31 ô tô... Do tăng cường đấu tranh, thị phần thuốc lá lậu giảm 2%, giá bình quân thuốc lá lậu tăng lên 1.500-2.000 đồng/bao, ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong nước. Lượng thuốc lá trong nước bán ra tăng 5%, thuốc lá lậu về TP HCM giảm 20% so với thời điểm ban hành Chỉ thị 30.
Đáng chú ý, khi bị đánh dạt ở biên giới đường bộ thì buôn lậu thuốc lá chuyển địa bàn xuống đường biển. Điển hình là vụ bắt giữ 1 container hơn 100.000 bao thuốc lá ở cảng CKD Phước Long
(TP HCM), vụ bắt giữ 1 container hơn 200.000 bao tại cảng Hải Phòng... Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết việc phối hợp giữa các lực lượng còn chưa tốt nên khi tỉnh này làm mạnh thì đầu nậu thuốc lá lại chạy xuống Long An; Long An quyết liệt thì chúng ra biển.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, trên tuyến biển, đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng tàu cao tốc 1.000 mã lực, có 4 máy, chạy tới 130 km/giờ. Gặp thuyền nhỏ của lực lượng chức năng chỉ có 100 mã lực là chúng phi thẳng vào. Cảnh sát biển không thể theo kịp, chỉ còn cách ném lưới vào chân vịt tàu buôn lậu.
Theo Ban Chỉ đạo 389, một số điểm nóng về buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn chưa được xóa bỏ một cách triệt để, như: chợ Học Lạc, chợ Trần Quốc Toản, bến xe Tây Ninh cũ (TP HCM); chợ Mỹ Khánh, đại lộ Hòa Bình, đường 30-4 (TP Cần Thơ). Địa bàn trọng điểm về tiêu thụ thuốc lá nhập lậu vẫn là TP HCM, miền Tây Nam Bộ, các đô thị lớn...
Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn lo lắng cho rằng sau Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ban Chỉ đạo 389 và đại diện Bộ Quốc phòng cùng các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng… kiến nghị điều chỉnh một số quy định, trong đó có tăng chế tài; giảm số lượng thuốc lá nhập lậu, buôn bán, vận chuyển phải bị xử lý hình sự từ 1.500 bao xuống còn 500 bao để có tính răn đe.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 tới sẽ bàn, đưa vào nghị quyết của phiên họp sửa Nghị định 185 và Thông tư liên tịch 36 theo hướng quy định “500 bao phải bị xử lý hình sự” để có tính răn đe. Bên cạnh đó, sẽ bàn việc tháo gỡ cơ chế, chính sách để phòng chống buôn lậu có hiệu quả, giúp sản xuất trong nước phát triển.
Cán bộ tiếp tay, khó chống triệt để
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung chỉ đạo triệt hạ bọn đầu nậu, cầm đầu các đường dây buôn lậu lớn. “Nếu quyết tâm là làm được. Chúng ta có cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở mà để đầu nậu Nguyễn Văn Tới tồn tại 15 năm ở Long An. Không phải họ thần thánh gì cả mà do cán bộ ta bảo kê, bao che thôi. Cần xử lý thật nghiêm” - Thủ tướng phê bình. Theo Thủ tướng, nếu cán bộ tiếp tay thì khó chống buôn lậu triệt để. Kiểm lâm tiếp tay thì lâm tặc mới chặt được cây lớn. Hải quan, QLTT là lực lượng dễ bị mua chuộc, cần quản lý chặt; công an, biên phòng cũng phải giáo dục cán bộ thường xuyên...
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!