Chiều 4-4, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, dự thảo vẫn trên nền luật cũ, nghĩa là người bị oan có yêu cầu thì mới tổ chức xin lỗi công khai, còn không thì nhà nước không xin lỗi. “Đã kết luận là oan rồi lại quy định phải có đơn yêu cầu mới xin lỗi công khai là chưa thuyết phục. Do đó, trong mọi trường hợp, khi xác định người bị oan rồi thì trong 10 ngày, cơ quan làm oan phải có trách nhiệm xin lỗi công khai” - bà Thủy nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu ý kiến Ảnh: TTXVN
Đề nghị quy định cả trách nhiệm cá nhân làm sai trong tham gia bồi thường, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét: “Nhà nước bao hết cho nên cán bộ cố ý làm sai, còn nhà nước đứng ra bồi thường. Vì vậy, phải có trách nhiệm cá nhân. Nếu nhà nước bố trí ngân sách bồi thường thì trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt” - ông Phương kiến nghị.
ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề cập khó khăn trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan bởi trong việc chứng minh thiệt hại, không ai dám chắc người phạm tội biết mình bị oan sai để thu thập chứng cứ để chứng minh sau này. Cho nên cần xem xét quy định theo hướng khi thụ lý, việc chứng minh bồi thường không cần bắt buộc. Thực tế, những vụ oan sai vừa qua cho thấy việc chứng minh rất khó khăn, thời gian thi hành án nhiều năm mới kết luận bị oan sai nên hồ sơ chứng minh bồi thường không cần bắt buộc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng đề nghị trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp của hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận người đó bị oan sai thì phải được bồi thường. Vì hiện nay, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trái pháp luật được bồi thường, trường hợp giữ người khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không được bồi thường. Như vậy, hành chính được bồi thường mà hình sự không được. Cho nên việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp về sau xác định là oan sai thì phải được bồi thường để phù hợp Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Cho ý kiến Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vào sáng cùng ngày, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nêu vấn đề thời gian qua xảy ra những sự việc liên quan đến chuyện các tỉnh, thành nhận ô tô đắt tiền do doanh nghiệp tặng, sau đó phải trả. Ranh giới giữa việc sử dụng tài sản là ô tô được tặng/cho mục đích công và nhu cầu cá nhân trong trường hợp này rất khó xác định, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực.
Ngoài ra, việc nhận xe của doanh nghiệp còn có thể phát sinh tình trạng đối xử mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực, trên cùng một địa bàn. Do đó, cần quy định rõ về việc tiếp nhận tài sản biếu tặng và mục đích sử dụng. Phải bảo đảm sử dụng vì mục đích công. Ngoài ra, có thể đưa các tài sản này vào hệ thống đấu giá để thực hiện công tác xã hội, từ thiện.
Bình luận (0)