Báo cáo của UBND TP HCM cho biết thực hiện theo Chương trình cải cách hành chính của TP, đến nay toàn TP đã triển khai 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 426 dịch vụ ở mức độ 3 và 46 dịch vụ ở mức độ 4.
Đẩy mạnh một cửa liên thông
Ngoài quận Bình Tân đi tiên phong, dịch vụ công trực tuyến đã và đang triển khai rộng khắp ở các cấp sở ngành, địa phương. Đặc biệt, cơ chế liên thông một cửa điện tử tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Hầu hết các sở ngành cùng với UBND 24 quận - huyện, 322 phường -xã - thị trấn đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, ISO 9001:2008/ISO điện tử trong quản lý, điều hành.
Tại cuộc họp với các sở - ngành mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh trong năm 2017, TP sẽ đẩy mạnh mô hình một cửa liên thông, tiếp tục tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với danh mục các thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư - xây dựng - đất đai. Chỉ rõ việc triển khai dịch vụ công, liên thông một cửa điện tử tại một số sở - ngành, quận - huyện còn chậm, ông Tuyến yêu cầu các cấp ngành, địa phương nỗ lực hơn trong công tác này.
Theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, để thực hiện hiệu quả cải cách hành chính theo chỉ đạo của UBND TP, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên phải thực hiện là tiếp tục thực hiện xây dựng chính quyền điện tử các cấp tại TP HCM. Trên cơ sở đó đẩy mạnh thực hiện triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử tại chính quyền các cấp để hoàn thiện hệ thống ứng dụng văn phòng điện tử.
Cũng theo ông Lắm, phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo định hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi. Đặc biệt là triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao để người dân, DN dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Kiến tạo chính quyền liêm chính
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP được UBND TP giao phối hợp với các sở - ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến các cấp độ 3 và 4. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, nhấn mạnh quyết tâm của TP là xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Nêu thực tiễn người dân vẫn chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến, một phần nguyên nhân là do chất lượng phục vụ còn hạn chế, bà Trinh cho rằng cần tiếp tục cải tiến để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, tạo thuận lợi cũng như khuyến khích người dân, DN và tổ chức tham gia cơ chế một cửa điện tử này. Bà Trinh thông tin thêm là nhằm phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, xây dựng nền hành chính hiện đại, TP HCM đang đẩy mạnh việc liên thông điện tử nhằm tiến tới hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung để phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cung cấp thông tin cho người dân.
Ông Lê Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ , Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TP - cho rằng cải cách hành chính phải gắn với quyền và lợi ích của người dân. “Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy nếu cơ quan hành chính nào biết vận dụng trong thực tế để tìm ra phương thức, cách làm sáng tạo, gắn với yêu cầu của dân thì được người dân đồng tình, ủng hộ” - ông Trung chia sẻ.
Dù còn nhiều việc phải làm nhưng với cơ chế một cửa liên thông đang tiếp tục được đẩy mạnh, 100% quận, huyện đã triển khai các thủ tục dịch vụ công trực tuyến, TP HCM đang định hình đúng hướng đi trong việc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền hành chính công hiện đại. “Đó cũng chính là cái đích phấn đấu của cơ chế một cửa hiện đại kiểu mẫu. Nhìn xa hơn, cái đích của công tác cải cách hành chính là kiến tạo chính quyền liêm chính, phục vụ tốt nhất cho người dân” - ông Trung đúc kết.
Không để người dân chạy lòng vòng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, trong thời gian tới, TP HCM tiếp tục tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính; kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Ông Tuyến cũng đề nghị người đứng đầu đơn vị, cán bộ công chức toàn TP quán triệt quyết tâm kiên trì xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền vì dân phục vụ; kiên quyết nói không với những biểu hiện tiếp tay, dung túng tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà.
“Với việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân theo cơ chế liên thông một cửa điện tử, TP đã thống nhất chỉ đạo rồi. Mỗi một sở - ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào thì phải chủ động liên thông với các sở - ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng luôn, không để người dân phải lo ôm hồ sơ chạy lòng vòng nữa. Làm việc này, phải nói là bà con sẽ rất hoan nghênh vì giảm thiểu được chi phí, thời gian đi lại... Trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước với nhau, liên thông “một cửa điện tử” sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian bởi có những văn bản hiện nay đi từ sở này qua sở khác mất đến 7 ngày, thậm chí cả chục ngày. Nếu liên thông điện tử, quy định rõ trách nhiệm, tôi nghĩ rằng thời gian trung chuyển giảm ít nhất 90%. TP đã có báo cáo với Chính phủ là đến năm 2020, TP sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến để người dân có thêm điều kiện chọn lựa” - ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Bình luận (0)