Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp ngày 17-10, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN) sửa đổi đang xin ý kiến sẽ có những thay đổi có lợi trong giải quyết yêu cầu bồi thường.
Ông Đỗ Đức Hiển, người phát ngôn của Bộ Tư pháp, trong buổi họp báo sáng 17-10
Dự thảo quy định theo hướng cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường.
Theo đó, quy định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày.
Đặc biệt, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại.
Trước đó, ông Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), người mang 2 án oan về tội Giết người, và gia đình có xin tạm ứng tiền bồi thường song không được chấp nhận do chưa từng có tiền lệ trước kia.
Mặt khác, về trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường. Dự thảo sửa đổi quy định về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả.
Dự thảo luật cũng quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Dự thảo đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2016 (từ 1-10-2015 đến 30-9-2016), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc (53 vụ việc thụ lý mới). Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, với số tiền bồi thường là 26,3 tỉ đồng.
Bình luận (0)