* Phóng viên: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (gọi tắt: Ban Chấp hành - BCH) ngày 7-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập cụ thể tiêu chuẩn chọn cán bộ vào BCH khóa XII. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Tại hội nghị lần thứ 11, trung ương đã đặt vấn đề nhân sự, chuẩn bị nhân sự một cách bài bản, cụ thể. Bên cạnh đó, kiên quyết không để lọt vào BCH những người có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải...
Kết luận của Tổng Bí thư cũng thể hiện những bước chuẩn bị cơ bản. Ở mỗi nhiệm kỳ đại hội, đây là công tác vô cùng quan trọng bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
* Các tiêu chí cơ bản, rõ ràng, cụ thể mà hội nghị đặt ra trong việc lựa chọn nhân sự vào BCH bám sát thực tiễn như thế nào?
- Các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng hơn như vậy, biểu hiện trung ương đã bám sát thực tiễn của tình hình Đảng hiện nay, nhất là trong lúc còn “một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, phẩm chất, lối sống…” mà Nghị quyết của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã đề cập. Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ hội nghị 11 đặt ra giúp lãnh đạo Đảng các cấp tuyển chọn những người xứng đáng nhất, tạo niềm tin cho nhân dân.
* Liệu quy trình thực hiện có bảo đảm sự minh bạch, công khai và được giám sát chặt chẽ để chọn ra những người xứng đáng nhất hay không, thưa ông?
- Các đảng viên cần chung sức, chung lòng để những điều trung ương đặt ra thành hiện thực, chọn đúng người có tâm, có tầm, tiêu biểu cho Đảng. Nhưng đây đúng là điều rất khó. Bởi người tham nhũng thì làm sao có thể chọn người chống tham nhũng được. Người thiếu đạo đức thì làm sao họ muốn tìm người có đạo đức... Không phải bỗng dưng những người ưu tú trở thành lãnh đạo một cách tự nhiên mà các đồng chí ưu tú của Đảng đương chức phải có trách nhiệm đó. “Bộ phận lớn” phải làm hết sức mình để chi phối “bộ phận không nhỏ” kia, chứ không phải tự nhiên mà có.
* Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc chống lại “lợi ích nhóm” trong công tác nhân sự. Vậy giải pháp ngăn chặn như thế nào, thưa ông?
- Kể tư khi Đảng ta thành lập, giành chính quyền, Bác Hồ cũng như các lãnh đạo tiền bối rất chú ý tới việc chống chủ nghĩa cá nhân. Đến Đại hội Đảng lần thứ XI, trung ương chỉ ra có “chủ nghĩa cá nhân bầy đàn” - chính là biểu hiện của “lợi ích nhóm”, từ đó sẽ đẻ ra nhóm lợi ích. Lợi ích nhóm ở khía cạnh tiêu cực, mang tính chất bầy đàn làm hại những lợi ích nhóm khác, tổn thương lợi ích dân tộc, quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Sự đoàn kết trong Đảng là vô cùng quan trọng. Đảng muốn lãnh đạo phải nắm bắt được quy luật đó, phải nói đi đôi với làm.
Ông Vũ Quốc Hùng đánh giá cao tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Thế Dũng
* Trong những tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự vào BCH khóa tới, ông quan tâm nhất tiêu chuẩn gì?
- Phải có phẩm chất chính trị. Cụ thể là phải trung thành với Tổ quốc, dân tộc, lý tưởng làm cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những cán bộ có biểu hiện thiếu phẩm chất vừa làm mất lòng tin của dân vừa làm khổ dân.
* Quan điểm của ông về tiêu chí “không tham vọng quyền lực”, liệu có mâu thuẫn khi người làm chính trị phải có tham vọng chính trị, vị trí đủ điều kiện ra quyết sách, điều hành, quản lý có lợi cho dân, cho nước?
- Tham vọng ở đây có ý đồ cá nhân. Còn chuyện khát vọng cá nhân, ý chí muốn góp phần cho đất nước, quên bản thân đi thì được.
* Vừa qua, đổi mới trong công tác luân chuyển nhân sự được làm bài bản, nhất là đối với luân chuyển cán bộ trẻ về các địa phương. Ông đánh giá thế nào về vấn đề trẻ hóa nhân sự?
- BCH khóa XI hiện nay có 2 người được bầu vào khi dưới 40 tuổi (sinh năm 1976), được gọi là cán bộ trẻ. Vừa rồi đã có 44 người được luân chuyển đi cơ sở.
Việc bồi dưỡng thế hệ trẻ là cấp thiết. Song vì một số lý do nên người ta đưa vào quy hoạch những người còn thiếu phẩm chất hoặc ngược lại, những người giỏi chưa phát hiện được.
* Có ý kiến đề nghị tăng số lượng ủy viên BCH, đặc biệt là tăng cường số lượng ở vùng địa bàn chiến lược, ông nghĩ sao?
- Theo tôi, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng phải hài hòa giữa số lượng và chất lượng. Chất lượng thì đã có tiêu chuẩn rồi. Số lượng thì phải cân nhắc vì mỗi lãnh đạo, mỗi ủy viên trung ương đều có một tiêu chuẩn phục vụ tương xứng. Cho nên phải xem tính thực tiễn, cần thiết và tùy theo nhu cầu thực tế. Có thể không tham gia vào cấp ủy, có thể làm việc khác mà có ích cho nước, cho dân vẫn tốt.
Cũng không nên cực đoan là không cần tăng. Song trong điều kiện Đảng cầm quyền thì chức vụ gắn với quyền lợi. Vì thế, làm thế nào để nhân dân không phải gánh một bộ máy đồ sộ vì thêm mỗi ghế là thêm bao nhiêu thứ kéo theo: xe, nhà, văn phòng…
Dựa vào dân để phát hiện người xu nịnh
Trong tiêu chí lựa chọn nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý không để người xu nịnh, chạy chọt vào trung ương. Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng nếu hỏi dân thì cũng thấy điều Tổng Bí thư nói không hề xa thực tiễn. Đây là sự nhắc nhở để lãnh đạo các cấp quán triệt, chọn lựa người cho đúng. “Phát hiện kẻ xu nịnh, chạy chọt, có thể mang tính định tính nhưng nếu chịu nghe dân thì ra hết vì dân có thể giám sát được mọi việc” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)