Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị dự thảo cần chỉnh sửa chương chính quyền địa phương theo hướng cụ thể hóa 3 mô hình chính quyền gồm: đô thị, nông thôn, hải đảo và lấy tên là ủy ban hành chính.
ĐBQH Đỗ Văn Đương: QH cần ra một nghị quyết về việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM
Dễ thực thi, giảm quỹ lương
Theo bà Khánh, mỗi loại hình chính quyền chỉ nên có 2 cấp (tỉnh, thành và phường, xã) để giảm bớt tầng nấc và làm cho công tác chỉ đạo dễ đi vào cơ sở. "Chính quyền 2 cấp đã được nhiều nước áp dụng có hiệu quả trong điều hành do ít tầng nấc và giảm số lượng lớn biên chế, quỹ lương. Đây chính là cuộc cách mạng trong cải cách hành chính và giảm biên chế" - bà Khánh nói.
Bà Khánh cho rằng mô hình chính quyền 2 cấp rất cần HĐND đủ mạnh với đa số là ĐB chuyên trách. "ĐB chuyên trách vừa gọn nhẹ lại chỉ tập trung lo cho dân, còn ĐB kiêm nhiệm khó có điều kiện để bao quát hết" - bà Khánh nhận định.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM), về chương chính quyền địa phương, cả 2 phương án mà dự thảo đưa ra đều không ổn vì đơn vị hành chính đô thị và nông thôn có nhiều đặc điểm khác nhau căn bản, việc thành lập các cấp chính quyền cũng không thể như nhau. Vì vậy, QH cần tổng kết việc thí điểm mô hình không HĐND vừa qua để xác định rõ mô hình chính quyền địa phương trong tương lai.
"Thực tế, sau 3 năm thí điểm, mô hình không HĐND ở TP HCM đã thành công, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, kinh tế - xã hội phát triển và việc lắng nghe ý kiến nhân dân được tăng cường…" - bà Tâm nhấn mạnh.
TP HCM là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính và giảm biên chế Ảnh: TẤN THẠNH
TP HCM đi đầu thí điểm
Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập cho biết Đoàn ĐBQH TP đã có văn bản kiến nghị QH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của QH ban hành Nghị quyết cho phép TP HCM thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. "TP HCM đã có đề án trình Ủy ban Thường vụ QH và Thủ tướng Chính phủ" - ông Lập nói.
Ngày 5-6, góp ý về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng ủng hộ ý kiến đề xuất QH ra một nghị quyết trong kỳ họp này về việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM.
"TP HCM có trên 10 triệu dân, các quan hệ xã hội rất phức tạp, các quy định hiện hành bất cập nhiều vấn đề. Vì thế, TP HCM được Nhà nước xác định là đô thị đặc biệt và Bộ Chính trị có Nghị quyết số 16 năm 2012 cho phép chính quyền TP thí điểm một số việc phát sinh mới, chưa có quy định hiện hành. Nếu cho TP HCM thực hiện thí điểm này cũng là bước tổng kết thực tiễn" - ông Đương phân tích.
Phải đạt được 4 tiêu chí ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề xuất tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương để bảo đảm 4 tiêu chí: Tăng hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm phát huy hơn nữa quyền của nhân dân trong việc giám sát, khiếu nại, tố cáo và không làm giảm sút các quyền của nhân dân, cử tri; thủ tục hành chính tiện lợi, nhanh chóng, đơn giản hơn cho nhân dân; tiết kiệm, tinh giản bộ máy. "Đề án chính quyền đô thị của TP HCM nhằm đạt được 4 tiêu chí này" - ông Nghĩa nói. |
Bình luận (0)