Năm 2016, cả gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp (DN). Với thị giá cổ phiếu hiện tại ở mức 49.600 đồng/cổ phiếu thì khối tài sản cổ phiếu của gia đình bà là trên 585 tỉ đồng (riêng tài sản của bà Thoa xấp xỉ 84 tỉ đồng).
Sau cổ phần hóa, tài sản công thành tư?
Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) nêu rõ bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) DN, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa DN nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang không đúng quy định.
Theo thông tin từ Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, đến hết tháng 6-2014, bà Thoa là cổ đông lớn thứ 6 của công ty. Đến ngày 30-11-2014, bà Thoa nắm giữ 1.161.446 cổ phiếu, tương đương 5,3% vốn. Đến ngày 30-11-2016, cổ phiếu do bà Thoa nắm giữ đã tăng lên 1.686.415 với giá trị ước tính 102 tỉ đồng, tương đương 4,91% vốn điều lệ.
Nhiều thành viên khác trong gia đình bà đang giữ các vị trí lãnh đạo và sở hữu số tài sản rất lớn tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Trong đó, ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai bà Thoa) hiện là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc; nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 7,33% vốn.Bà Nguyễn Thái Nga (con gái đầu của bà Thoa, nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu 12,01%). Con gái thứ 2 là Nguyễn Thái Quỳnh Lê nắm giữ hơn 2,2 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu 6,99%. Tổng tài sản gia đình bà Thoa thời điểm đó khoảng hơn 700 tỉ đồng.
Đến năm 2016, theo báo cáo quản trị của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cả gia đình bà Thoa nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu, chiếm 34,12% vốn điều lệ DN. Với thị giá cổ phiếu này hiện tại ở mức 49.600 đồng/cổ phiếu thì khối tài sản cổ phiếu của gia đình bà Thoa là trên 585 tỉ đồng (riêng tài sản của bà Thoa xấp xỉ 84 tỉ đồng). Chính nhờ nắm giữ cổ phiếu như thế mà năm 2016, khi số cổ phiếu trong tay nữ thứ trưởng là 1,7 triệu cổ phiếu, bà đã được nhận cổ tức 5,1 tỉ đồng.
Vấn đề nằm ở chỗ bà Thoa sau khi rời vị trí quản lý DN đã trở thành thứ trưởng của bộ chủ quản, đồng thời vẫn giữ vị trí là một trong những cổ đông lớn nhất của DN này sau khi được CPH. Vậy nên, điểm mấu chốt cần làm rõ là liệu lãnh đạo các DN trong quá trình CPH đã cố tình định giá thấp DN, dìm giá cổ phiếu để dễ bề thâu tóm vào tay mình hoặc gia đình mình với giá rẻ?
Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh chỉ ra thực tế trong CPH hiện nay, chúng ta không tính đến đất đai, giá trị thương hiệu. Cho nên giá trị của DN CPH "rất hấp dẫn" với người mua. Nhưng quá trình CPH lại không công khai, minh bạch, dẫn đến khi công bố thông tin CPH thì lúc đó "người trong nhà" đã mua hết cổ phần, người ngoài không thể chen chân. Vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa chính là bài học để bổ sung, hoàn thiện quy trình CPH; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng cổ đông thiểu số; ngăn chặn lãnh đạo mua cho bản thân và gia đình mình số lượng cổ phiếu lớn.
"Còn với cách mà Bộ Tài chính từng lý giải là thời điểm bà Thoa mua cổ phần là thời điểm khuyến khích các đảng viên, lãnh đạo DN phải gương mẫu đi đầu trong việc này nhằm thúc đẩy CPH, tôi cho rằng không hợp lý với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác vì khi công bố chuyện này, gia đình lãnh đạo DN đã mua hết rồi" - ông Doanh bình luận.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, có nhiều điểm trong diễn biến "sức khỏe" của DN này dẫn đến những nghi vấn về việc DN có thể bị dìm giá. Cụ thể, sau khi lên sàn vào tháng 2-2008, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã đạt kết quả kinh doanh khả quan do có 1 hợp đồng lớn với Cuba. Chưa kể, năm 2007, hoạt động xuất khẩu của công ty tăng 13 lần so với năm trước, doanh số đạt 59,2 triệu USD.
Thế nhưng, giai đoạn 2008-2009, cổ phiếu rớt giá thê thảm, có thời điểm chỉ còn 9.000 đồng/cổ phiếu. Lý do đưa ra là Cuba chậm trả khoản tiền thanh toán hợp đồng lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2010, công ty bắt đầu quá trình phục hồi và đã có thời kỳ nằm trong danh sách các DN hoạt động sản xuất kinh doanh thành công rực rỡ. Do đó, phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ các nghi vấn trên.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong một lần làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
Kê khai không trung thực có thể bị cách chức
Về những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong kê khai tài sản, thu nhập, ngày 4-7, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) - cho biết TTCP sẽ cử người sang phối hợp với UBKTTƯ để làm rõ những kết luận đã nêu.
Theo ông Đạt, việc kê khai từ trước tới nay chủ yếu theo nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm, tính trung thực không cao, nên mới xảy ra việc kê khai không đúng. Ông Đạt cho rằng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp ủy của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện, đôn đốc.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng. Khi xử lý nghiêm túc thì sẽ giảm việc kê khai không chính xác. "Cần bổ sung, chỉnh sửa thêm chế tài. Nhưng hiện nay, mức xử lý cũng đã đủ nặng. Kê khai không trung thực, kê khai chậm, không tổ chức kê khai đều phải xử lý, mức độ cao nhất là cách chức" - ông Đạt chỉ rõ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học công an, Bộ Công an - cho rằng yếu tố khách quan dẫn đến việc không kiểm soát được tài sản và việc kê khai tài sản cán bộ do Việt Nam vẫn chuộng tiêu tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống pháp luật về giám sát quyền lực còn thiếu chặt chẽ, quy định rời rạc. Các điều khoản liên quan đến kê khai tài sản cũng không mang tính ràng buộc, chặt chẽ, rất nhiều sơ hở, dễ lách qua.
Theo ông Cương, cần làm rõ bà Thoa đã không khai đúng ở những thời điểm nào, từ đó mới quy được trách nhiệm người liên quan. Nếu khai không đúng ở thời điểm công tác tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang thì trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương - cơ quan quản lý DN này. Còn nếu không đúng trong hồ sơ xét làm thứ trưởng hoặc khai không đúng khi đang giữ vị trí thứ trưởng các cơ quan liên quan thì bộ trưởng Bộ Công Thương, Nội vụ, Ban Tổ chức trung ương… có thể phải chịu trách nhiệm.
"Nhìn chung, quy trình quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ cơ bản mang tính hình thức, không thực chất. Cho nên trước hết phải sửa Luật Công chức viên chức, trong đấy có điều nói về tài sản; Luật Thanh tra… Xem xét lại toàn bộ hệ thống luật pháp sơ hở chỗ nào để lấp" - ông Cương góp ý.
Sẽ tiến hành các bước tiếp theo
Theo tìm hiểu, Bộ Công Thương chưa nhận được ý kiến chính thức từ phía UBKTTƯ đối với những sai phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mà UBKTTƯ đã chỉ ra. Theo quy định, sau khi nhận được văn bản chính thức, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tiến hành các bước xử lý theo đúng quy định.
Bình luận (0)