Không chỉ những loài thú quý hiếm bị săn trộm, các loài động vật phổ biến như chim, cá, rùa, sóc… cũng bị đánh bắt không thương tiếc. Có khác chăng là các loài này không bị “săn lẻ” mà bị “bắt sỉ” bằng những cách khai thác tận diệt và việc săn bắt, buôn bán cũng công khai hơn.
Chưa làm hết trách nhiệm
Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết tùy từng loài, từng loại mà được cấp phép khai thác nếu trữ lượng, quần thể còn nhiều. Tuy nhiên, không có loài động vật hoang dã (ĐVHD) nào được cho phép thoải mái săn bắt, tiêu thụ. Săn bắt loài nguy cấp, quý hiếm sẽ bị xử lý hình sự; loài phổ biến như chim, rùa, sóc… thì bị xử phạt hành chính. Kiểm tra, phát hiện và xử phạt nạn săn bắt, khai thác trái phép là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm; còn kiểm tra, xử lý các hoạt động mua bán là nhiệm vụ của nhiều ngành chức năng.
“Hiện tượng bày bán công khai các loài ĐVHD không có nghĩa là luật pháp cho phép mà do các cơ quan chức năng chưa làm quyết liệt và hết trách nhiệm của mình” - ông Liên khẳng định.
Theo ông Liên, ngành kiểm lâm cũng có khó khăn vì lực lượng mỏng nên ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn nạn săn bắt đối với những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như voi, hổ, gấu…; còn các loài chim, thú phổ biến vẫn chưa được chú trọng nhiều. Vì vậy, giải pháp hiện nay vẫn là tuyên truyền để người dân không sử dụng và tiếp tay cho các hành vi vi phạm đối với các loài này.
Điểm “nóng” về suy giảm đa dạng sinh học
Theo GS-TS Đặng Huy Huỳnh, hệ thống pháp luật điều chỉnh vấn đề khai thác, tiêu thụ ĐVHD hiện nay đã đầy đủ, gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học… Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn còn nhiều lỗ hổng và có những khoảng cách rất lớn trong thực tế. Đơn cử như vừa qua, Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an bắt quả tang 42 cá thể tê tê bị vận chuyển trái phép và giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh xử lý. Thay vì xử theo các quy định của pháp luật, cơ quan này đã đem bán đấu giá, không khác nào hợp pháp hóa cho số tang vật vi phạm.
Chưa kể nhiều trường hợp săn bắt, buôn bán ĐVHD bị các cơ quan chức năng phát hiện nhưng do “chạy” được nên thoát tội và tiếp tục tái phạm, còn pháp luật chẳng còn tác dụng răn đe với những người khác.
Ngoài ra, cơ sở để cho phép khai thác một số loài ĐVHD là đánh giá trữ lượng, loài nào quần thể còn ít phải có thời gian bảo vệ phục hồi, loài nào nhiều mới cho khai thác nhưng phải có kế hoạch cụ thể: khai thác bao nhiêu, thời gian nào, không khai thác con nhỏ… Trong các văn bản luật và định hướng của nhà nước đều đề cập cơ sở này, các nhà khoa học cũng liên tục kiến nghị nhiều năm qua. Thế nhưng, cơ quan có trách nhiệm khảo sát, tính toán để xây dựng thành các quy định, hướng dẫn thì vẫn chưa thực hiện.
“Một nghịch lý thật đau lòng, Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới nhưng cũng là điểm “nóng” về suy giảm đa dạng sinh học. Nguyên nhân lớn nhất phải kể đến kiểu khai thác hủy diệt như hiện nay. Sông Hồng ngày xưa có cá anh vũ là loài quý, số lượng lớn nhưng giờ chẳng còn bao nhiêu. Loài nào cũng vậy, dù nhiều đến đâu nhưng khai thác không có kế hoạch thì cũng tuyệt chủng!” - GS-TS Huỳnh dẫn chứng. Theo ông, mỗi loài đều là một mắt xích trong chuỗi đa dạng sinh học và có vai trò quan trọng không thể tách rời. Vì thế, không nên chỉ bảo vệ những loài quý hiếm mà quên đi các loài phổ biến, để đến lúc chúng biến thành loài quý hiếm thì đã muộn.
Phóng sinh hay sát sinh?
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, dẫn điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 quy định các hành vi săn bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép và vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái với quy định của pháp luật đều bị nghiêm cấm. Như vậy, việc săn bắn và buôn bán động vật rừng sau đó bán lại cho người mua phóng sinh mà không được sự cho phép của các cơ quan chức năng là trái luật. Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên nhưng hiện đang bị biến tướng. Ngoài ra, việc phóng sinh không đúng cách còn có thể gây tác động tiêu cực đối với môi trường sống và hệ sinh thái. Nhiều loài động vật sau khi được phóng sinh đã không thể sống sót bởi chúng bị thả vào những nơi không phải là môi trường sống bản địa, thậm chí còn bị bắt lại để tiếp tục bán ra thị trường.
GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng cần hài hòa giữa bản sắc văn hóa với bảo vệ thiên nhiên. Để phục vụ cho hoạt động văn hóa, tâm linh của người dân, nhà nước có thể cấp phép cho một số cơ sở nuôi động vật dùng để phóng sinh cũng như nên hướng dẫn người dân những khu vực nào được thả và loài vật nào phù hợp để chúng có thể sống và cũng không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư nơi đó.
Bình luận (0)