Ngày 18-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lãnh đạo các tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Căng thẳng các tỉnh biên giới
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm - nhận định tình hình hiện nay nguy hiểm vì nguy cơ virus H7N9 xâm nhập Việt Nam rất cao. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 trong nước đã xuất hiện ở nhiều tỉnh. Số liệu cập nhật cao lên mỗi ngày cho thấy dịch tiếp tục lan rộng, không chỉ lây trong nước mà còn có dấu hiệu xâm nhập từ biên giới Tây Nam. “Nếu không làm quyết liệt, để xuất hiện thêm virus khác sẽ rất phức tạp. Các biện pháp nêu thì nhiều nhưng phương châm hiệu quả nhất vẫn phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính” - ông Phát nói.
Hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đang được các tỉnh, thành phố ráo riết triển khai. Theo ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dù chưa phát hiện dịch cúm trên gia cầm và người nhưng do có đường biên giới dài trên 230 km với Trung Quốc nên hoạt động buôn lậu gia cầm diễn biến phức tạp. Tỉnh đã cấm vận chuyển, buôn bán gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới, đồng thời thiết lập 24 điểm chốt có lực lượng biên phòng, hải quan chốt trực thường xuyên; lập hàng rào dây thép gai, xây tường rào ở một số đường mòn, lối mở trọng điểm; khu vực 2 bên cánh gà tại các cửa khẩu. “Tỉnh cũng lên phương án thiết lập 2 khu cách ly gồm 15 giường bệnh ở thị trấn Đồng Đăng; 30-100 giường bệnh ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để cách ly bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Ngoài ra, chuẩn bị thêm 11 khu cách ly nhỏ khác, thiết lập 1 bệnh viện dã chiến; xe cứu thương, máy trợ thở, thuốc đều sẵn sàng ứng phó” - ông Quang cho biết.
Còn tại Lào Cai, ông Doãn Quang Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh, cho hay nhằm ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi phát hiện virus lây sang người. Hiện đã trang bị 2 máy soi ở cửa khẩu Lào Cai để giám sát dịch bệnh.
Báo cáo chưa chính xác!
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định cả 2 loại dịch H5N1 và H7N9 đều đáng sợ. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm A/H5N1 đã làm 2 người tử vong. Nhằm ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh phải có chính sách quy hoạch và sắp xếp lại các chợ, không để buôn bán gia cầm chung với các khu hàng khác. “Chỉ cần 1 trường hợp bị lây thì sẽ bùng phát sang người, rất nguy hiểm!” - ông Phu nói.
Theo đại diện Bộ Công an, báo cáo về tình hình cúm gia cầm chưa có đánh giá chính xác, đầy đủ. “Xem báo cáo, chúng tôi rất băn khoăn. Chỉ có 5/11 tỉnh có dịch cúm gia cầm công bố dịch. Điều này sẽ gây khó khăn cho lực lượng công an trong việc ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm từ vùng dịch ra bên ngoài. Chúng ta đừng cho rằng việc tuyên truyền, công bố dịch sẽ khiến người dân tẩy chay gia cầm. Nếu không tuyên truyền tốt thì hiệu quả sẽ rất nặng nề” - đại diện Bộ Công an bày tỏ.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần tuyên truyền đầy đủ đến người dân, phải công bố đúng tình hình về dịch bệnh để người dân có phản ứng phù hợp chứ đừng sợ dân hoang mang. Người dân chỉ hoang mang khi không biết tình hình dịch như thế nào. Phải có chính sách phù hợp để người dân không bán chạy gia cầm bệnh và không giấu dịch. “Tôi đã phê bình Cục Thú y trong việc cập nhật số liệu những ngày qua chưa chính xác, chưa kịp thời. Cục Thú y cần chấn chỉnh. Chỉ có số liệu chính xác, kịp thời thì Ban Chỉ đạo mới chỉ đạo phù hợp” - ông Phát nói.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng và Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với dịch cúm gia cầm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Cục Thú y cập nhật thông tin hàng giờ để báo cáo với Ban Chỉ đạo. “Dịch cúm gia cầm H5N1 bây giờ mới đang lên, chưa phải đến đỉnh. Vì vậy, chúng ta phải làm quyết liệt, nếu để lan rộng ra thì không có cách nào khoanh lại. Các bộ, ngành, địa phương nào chưa ban hành kế hoạch hành động thì phải làm ngay, phải làm quyết liệt để ngăn ngừa, khống chế và kiểm soát dịch” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cần thêm 60 triệu liều vắc-xin
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục thú y cho biết kết quả giám sát lưu hành virus cúm A/H5N1 tại 147 chợ của 44 tỉnh, thành cho thấy tỉ lệ mẫu gia cầm dương tính với H5N1 là 6%; tỉ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 là trên 61%. “Chúng ta còn hơn 30 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm nhưng để đề phòng dịch lan rộng, Cục Thú y dự kiến trình Chính phủ mua bổ sung thêm 60 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm nữa” - ông Đông cho biết.
Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm Re-6 và 10.000 lít hóa chất. Tính đến ngày 17-2, dịch H5N1 đã xuất hiện tại 12 xã thuộc thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tỉ lệ phát hiện dương tính ở các đàn gia cầm là trên 90%. Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ ngày 16-2, ngành thú y đã bắt đầu tiêm phòng dịch cúm đợt 1 cho gia cầm với khoảng 250 liều vắc-xin. Chi cục đề nghị nâng cao mức hỗ trợ cho các chủ đàn để việc phòng dịch đạt hiệu quả hơn.
V.Duẩn - K.Nam
Xuất hiện 49 ổ dịch tại 14 tỉnh
Thông tin từ Cục Thú y vào cuối chiều 18-2, cả nước có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh, gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh; tổng số gia cầm mắc bệnh là 51.880 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 66.388 con. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện.
Bình luận (0)