Chiều 13-2, bác sĩ Phạm Đình Chi, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết anh Huỳnh Thanh T. (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại đây đã mất vào lúc 17 giờ 10 phút cùng ngày.
Có liên quan đến gà, vịt
Anh T. nhập viện lúc 11 giờ ngày 5-2 trong tình trạng suy hô hấp nặng, suy đa tạng. Dù được các bác sĩ cứu chữa tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng anh T. không qua khỏi. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết ngoài bệnh nhân T. còn 1 trường hợp khác chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do nhiễm cúm A. Hai trường hợp này đều xác định có sử dụng thịt gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Ngoài ra, còn 4 trường hợp khác nghi ngờ có liên quan đến cúm A đang được xét nghiệm. Các bệnh nhân ngụ ở huyện Khánh Sơn, Diên Khánh, TP Nha Trang, trong đó có 2 trường hợp xác định có liên quan đến gà, vịt trước khi nhập viện. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra quanh vùng cư trú của các bệnh nhân nhằm phát hiện ổ dịch.
Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt chạy đồng do chưa được tiêm phòng. Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống diễn ra sôi động, không được kiểm soát ở các chợ lớn tại TP Nha Trang như chợ Đầm, Xóm Mới, Phước Hải…
Hoành hành miền Trung
Trong khi đó, ở miền Trung, cúm A/H5N1 đang lan rộng. Ở Kon Tum, ngày 13-2, Chi cục Thú y tỉnh này cho biết đã phát hiện thêm một ổ cúm tại xã Mo Rai, huyện Sa Thầy. Tính đến trung tuần tháng 2, tỉnh này đã có 4 địa phương có cúm gia cầm.
Còn ở Quảng Ngãi, chiều 13-2, lực lượng chức năng ở huyện Đức Phổ đã tiêu hủy gần 450 con gà của ông Huỳnh Tốt ở xã Phổ Văn do nhiễm cúm A/H5N1. Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đức Phổ đã xác định được 3 ổ cúm gia cầm ở các xã Phổ Cường, Phổ Hòa và Phổ Văn với hơn 3.200 con. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và gia đình cũng đã tổ chức tiêu hủy hơn 5.000 con gia cầm chết hàng loạt.
Ngoài 3 xã trên, mấy ngày qua, hàng ngàn con gà ở các xã Phổ Hòa, Phổ Châu và Phổ Văn cũng lăn ra chết. Các cơ quan chức năng huyện Đức Phổ đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.
Bóng đen của cúm gia cầm đang khiến người dân ở Đức Phổ như ngồi trên lửa. Bà Trần Thị Thái, nuôi 1.000 con vịt ở xã Phổ Cường, lo lắng: “Thấy vịt ở những hộ xung quanh chết tôi lo quá nên đã mời bác sĩ thú y về chích ngừa, phun thuốc chuồng trại. Hy vọng đàn vịt không bị nhiễm bệnh. Đó là gia sản lớn nhất cả gia đình tôi”.
Ông Nguyễn Văn Trung, hộ nuôi gà ở xã Phổ Châu, âu sầu: “Trước Tết, lo cúm nên tôi mua thuốc kháng sinh về cho đàn gà uống nhưng không ngờ, vừa qua Tết ít ngày, chúng chết dần. Bây giờ chỉ còn khoảng 500 con nhưng cũng đang bệnh sắp chết”.
Tại Quảng Nam, ổ cúm A/H5N1 xuất hiện ở huyện Duy Xuyên vào ngày 19-1 trên đàn vịt 1.900 con của ông Ngô Diện ở xã Duy Châu. Ngay sau đó, cúm tiếp tục lan rộng ra các đàn vịt chăn thả ở xã Duy Châu và Duy Trinh.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, cho biết địa phương đã tiêu hủy gần 10.000 con vịt nhiễm bệnh; bao vây, tiêm phòng 60.000 con tại các xã lân cận. Đến nay, cúm gia cầm tại Duy Xuyên đã được khống chế.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoài Duy Xuyên, từ ngày 3-2, địa phương phát hiện thêm các ổ cúm ở xã Bình Nguyên và Bình Chánh của huyện Thăng Bình. Đến nay, đã tiêu hủy hơn 15.000 con gia cầm bị nhiễm cúm, tại các địa điểm có dịch không phát sinh thêm trường hợp mới.
“Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương nắm lại số lượng đàn gia cầm để đưa thuốc xuống tiêm phòng; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động đối phó với cúm cũng như khai báo khi xảy ra gia cầm chết” - ông Muộn nói.
Nước tới chân mới nhảy
Theo ông Lê Muộn, việc cúm gia cầm tái phát là do tập quán chăn nuôi thả rông và không chú trọng tiêm phòng của người dân.
Như trường hợp ông Ngô Hoa ở xã Duy Trinh, nuôi đến gần 5.000 con vịt nhưng không tiêm phòng. Nghe tin có cúm ông gọi thú y đến tiêm phòng được hơn 2.000 con. Hơn 2.000 con vịt khác đã đến thời điểm bán nhưng lại bị nhiễm cúm nên phải tiêu hủy. “Chỉ tính mỗi con vịt bán được 100.000 đồng thì thiệt hại lên đến hơn 200 triệu đồng” - ông Hoa rầu rĩ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam, cho biết có gần 4 triệu con gia cầm trên địa bàn chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch cúm trong thời gian tới là rất cao.
Còn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, dù cúm A/H5N1 đang hoành hành nhưng nhiều người dân vẫn đưa vịt, gà từ vùng có dịch ra ngoài buôn bán tràn lan. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ chăn nuôi rất bình thản khi đàn gà, vịt của mình xuất hiện những con chết rải rác vì cho rằng đó là bệnh thông thường. Thậm chí, nhiều hộ có gà, vịt chết hàng trăm con nhưng vẫn mua thuốc về cho uống, không khai báo với cơ quan thú y.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã điều động cán bộ túc trực thường xuyên ở cơ sở nắm bắt tình hình, không để người dân giấu dịch, đưa gà vịt từ vùng có bệnh ra ngoài…
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chi khoảng 65.000 liều vắc-xin và thuốc khử trùng để tiêm chủng cho các đàn gà, vịt trong những địa phương xuất hiện cúm.
Gà vịt chết cả tháng mới kiểm tra
Trong khi đó ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, dù xảy ra tình trạng gà, vịt ở một số hộ chết hàng loạt từ 1 tháng trước nhưng đến nay, cơ quan thú y mới tổ chức kiểm tra.
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, cho biết ông chỉ mới nhận được thông tin trong ngày 13-2 và đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện Đồng Xuân kiểm tra, thống kê và lấy mẫu để xác định nguyên nhân bệnh. Tuy nhiên, theo ông Nhĩ, sẽ khó xác định được nguyên nhân gây bệnh do những đàn gia cầm này đều đã chết sạch, không thể lấy mẫu bệnh phẩm.
Lý giải nguyên nhân sự chậm trễ, ông Nguyễn Ngọc Cẩn, Trưởng Trạm Thú y huyện Đồng Xuân, cho biết: “Theo thông tin bước đầu chúng tôi nắm được thì gà vịt chết từ trước Tết, tức gần một tháng nay. Tuy nhiên, do không rầm rộ nên anh em chủ quan không báo cáo”.
Còn theo ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, nơi xảy ra tình trạng gia cầm chết thì: “Theo cán bộ thú y xã, gà chết do bệnh thông thường còn vịt chết do bị bệnh đường ruột. Đây là bệnh do virus lây lan, không có thuốc phòng trị”.
Chưa xuất hiện cúm gia cầm nhưng để phòng chống, Chi cục Thú y TP Đà Nẵng đã cấp phát hơn 1.500 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các địa phương, trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ ; tăng cường cán bộ kiểm dịch, tiêu độc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển gia cầm 24/24 tại 2 trạm kiểm dịch Kim Liên, Hòa Phước.
Bốn kịch bản đối phó
Chiều 13-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã họp khẩn để bàn giải pháp nhằm đối phó với dịch cúm A/H7N9.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, cho biết hiện nay virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đã lây lan đến tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới với các tỉnh biên giới phía Bắc. Có nguy cơ cao virus cúm này sẽ lây lan vào Việt Nam.
Hiện Ban Chỉ đạo đã xây dựng xong dự thảo “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người”, với 4 tình huống để đối phó: Chưa phát hiện virus trên gia cầm, môi trường; chưa phát hiện trên gia cầm nhưng có người mắc bệnh; phát hiện có virus trên gia cầm nhưng chưa có ở người và phát hiện virus cúm A/H7N9 cả trên gia cầm và người.
Tình huống phát hiện virus cúm A/H7N9 trên người, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm sẽ họp 2 tuần một lần. Bộ NN-PTNT phân công đội ứng phó nhanh, kết hợp với Bộ Y tế để điều tra dịch tễ; chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ hóa chất, tăng cường hoạt động kiểm soát gia cầm tại các chợ... Còn khi phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, Ban Chỉ đạo sẽ họp một tuần một lần. Đội ứng phó nhanh xuống tận địa bàn có mẫu dương tính để phòng chống dịch, cùng Bộ Y tế điều tra dịch tễ, hướng dẫn các địa phương có nguy cơ cao ứng phó.
V.Duẩn
Bình luận (0)