Tỉnh An Giang vừa khắc phục xong đê bao bị vỡ, nhấn chìm 1.500 ha lúa thu đông. Hiện địa phương đang cùng bộ đội, công an, các đoàn thể hoàn tất hàn đất, tiến hành bơm nước ra để cứu lúa. Công tác bảo vệ đê bao, với sự tham gia, ứng cứu kịp thời của lực lượng bộ đội, công an, đoàn thể… đã góp phần đáng kể giảm những thiệt hại do lũ gây ra, nhất là việc bảo đảm tính mạng nhân dân tại các điểm xung yếu.
Theo TTXVN, tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến khó lường do mưa lũ, đặc biệt là khi cơn bão số 6 đang đổ bộ vào nước ta. Đồng thời đề nghị An Giang tiếp tục di dời các hộ dân có nhà bị ngập, chuyển dân vùng ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở; duy trì điểm giữ trẻ bởi đây là mô hình tốt cần nhân rộng. Cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, địa phương cần tiếp tục bơm rút nước, cứu diện tích lúa bị ngập có thể khôi phục; nắm chắc tình hình dự báo thời tiết, thủy văn để theo sát diễn biến; đối với 2 đập Tha La, Trà Sư khi đóng mở phải kiểm tra cẩn thận. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ An Giang bảo vệ vững chắc các tuyến đê bao trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh, đến nay, lũ đã làm ngập trên 200 km đường giao thông, sạt lở 14.000 m2 đất bờ sông, 21 cụm tuyến dân cư bị sạt lở cùng với các tuyến đê bị vỡ đã làm 14.176 căn nhà bị ngập, xiêu vẹo do nước lũ, trên 1.600 hộ cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Diện tích lúa thu đông bị ngập 160 ha, mất trắng 3.883 ha, gặt ép 25 ha; diện tích lúa bị đe dọa 66.000 ha; hoa màu ngập 21 ha, mất trắng 186 ha, gặt ép 6 ha…
lTại ĐBSCL, tình hình lũ lụt vẫn còn diễn biến bất thường. Vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lũ tiếp tục lên chậm và đạt đỉnh trong vài ngày tới; đỉnh lũ tại các trạm chính cao hơn mức báo động III từ 0,2 - 0,4 m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên và đến ngày 7-10 ở mức 2,5 m, trên báo động III: 0,1 m. Tính đến nay, lũ đã làm 11 người chết, hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập và trên 4.000 ha lúa bị mất trắng.
Nhiều tuyến để bị vỡ Khuya 3-10, tuyến đê bao Cà Vàng, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp lại bị vỡ một đoạn dài hơn 50 m khiến nước lũ tràn vào đồng ruộng nhấn chìm hoàn toàn hơn 800 ha lúa. Đây là vụ vỡ đê thứ 4 ở tỉnh Đồng Tháp, gây thiệt hại gần 2.000 ha lúa vụ 3 trên toàn tỉnh. Hiện vẫn còn một số tuyến đê bao tại đây đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị vỡ vì đã oằn mình chịu đựng áp lực nước lũ hơn nửa tháng nay._ Theo TTXVN, do triều cường kết hợp với lũ từ đầu nguồn đổ về làm nước hạ lưu sông Hậu dâng cao nên trong 3 ngày qua, tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã có 54 đoạn đê bao, bờ bao và công trình giao thông tại các xã, thị trấn trên địa bàn bị phá vỡ, với tổng chiều dài 250 m. Theo ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, đến sáng 3-10, nhân dân Cù Lao Dung đã khắc phục được 44 đoạn đê, bờ bao, dài khoảng 160 m, còn lại 10 đoạn bị phá vỡ nghiêm trọng tại thị trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh Tây và An Thạnh Nam, đang đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện hỗ trợ khắc phục, gia cố. Vỡ đê bao tại huyện Cù Lao Dung đã làm ngập 152 ha mía, 2 ha khoai mì và 3 ha bưởi... trị giá khoảng vài trăm triệu đồng. |
Bình luận (0)