icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống bão với tinh thần cao nhất

Thế Dũng

Dự báo chiều 4-10, vị trí tâm bão số 6 cách bờ biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế khoảng 290 km về phía Đông Bắc

img
Đến ngày 2-10, ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - Quảng Bình, nước vẫn còn ngập đến nóc nhà. Ảnh: Quang Nhật
Chiều 2-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo) để bàn biện pháp đối phó với bão số 6 (Nalgae) và rút kinh nghiệm bão số 5 (Nesat).

Di chuyển rất phức tạp

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (trung tâm), cho biết bão số 6 mạnh lên rất nhanh, vào ngày 1-10, đạt cấp mạnh nhất trong thang bão là 17. Tuy nhiên, trong ngày 2-10, sau khi tràn qua Philippines, bão số 6 đã suy yếu và hiện đang cấp 12-13. “Dự báo ngày 3-10, bão số 6 di chuyển tương đối ổn định với vận tốc 10 - 15 km/giờ. Đến ngày 4-10, bão sẽ đi vào khu vực Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa. Thời điểm này, hướng di chuyển cũng như cường độ bão số 6 rất phức tạp” - ông Tăng nói.

Theo ông Tăng, dự báo từ các mô hình trên thế giới rất phân tán, song quy tụ lại, bão số 6 sẽ đổ bộ vào phía Nam khu IV từ 4-5 ngày tới. Trong khi đó, mô hình số hóa của trung tâm cho kết quả khác nhau, nếu kết hợp với không khí lạnh cường độ mạnh vào đêm 3 và rạng sáng 4-10 thì còn phức tạp hơn. “Không khí lạnh tràn xuống, nhiều khả năng sẽ ép bão số 6. Có thể cơn bão này sẽ suy yếu và tan trước khi vào đất liền vì sau khi đi vào phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão di chuyển rất chậm” – ông Tăng phân tích.

Theo trung tâm, đến 16 giờ ngày 3-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc - 113,4 độ kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12; giật cấp 13, cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến chiều 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc - 110,0 độ kinh Đông; cách bờ biển Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế khoảng 290 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12; giật cấp 13, cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10. Vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12; giật cấp 13, cấp 14; biển động dữ dội.

Không được chủ quan

Tuy chưa thể khẳng định bão số 6 có đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam hay không nhưng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương không được chủ quan. “Đây là cơn bão thứ 3 liên tiếp gây ảnh hưởng đến nước ta trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, tình huống xấu nhất là bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, hầu hết các hồ ở đây rất nhỏ, không có khả năng cắt lũ…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Rút kinh nghiệm về thiệt hại số lượng lớn bè nuôi trồng thủy sản trong cơn bão số 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các địa phương khi đã được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải chống bão với tinh thần cao nhất theo hướng bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình. Sau khi thông báo phải có cưỡng chế và xử phạt lao động ở lại lồng bè. Địa phương phải ký cam kết với các chủ lồng bè, nếu để lại người trên bè khi bão vào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã có công điện gửi các địa phương ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, các địa phương và bộ, ngành phải thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh, trú bão an toàn; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công; rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm…

Lũ vẫn lên: Đê vỡ, nhà ngập
Mặc dù lũ đầu nguồn sông Cửu Long chưa cao bằng đỉnh lũ năm 2000 nhưng một số trạm ở hạ du thuộc 2 dòng chính sông Tiền và sông Hậu đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Long Xuyên (An Giang): 2,79 m (trên báo động III là 0,29 m); Cần Thơ: 2,11 m (trên báo động III là 0,21m) và Mỹ Thuận (Vĩnh Long): 1,95 m (trên báo động III là 0,15 m).
Dự báo trong những ngày đầu tháng 10, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ lần lượt đạt đỉnh, sau đó biến đổi chậm.
l Rạng sáng 2-10, tuyến đê bao Bắc Viện (ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp) vỡ khiến gần 400 ha lúa vụ 3 bị chìm trong nước. Đây là tuyến đê bao thứ 3 trong tỉnh Đồng Tháp bị nước lũ đánh vỡ, gây thiệt hại khoảng 1.100 ha lúa của người dân.
l Cùng ngày, tại rốn lũ Tân Hóa (huyện Minh Hóa - Quảng Bình), nước vẫn còn dâng cao. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, cho biết đã huy động toàn bộ tàu thuyền trong xã để đưa dân lên vùng cao. “639 hộ dân thuộc xã đã được đưa vào lèn đá để tránh lũ vì nước đang ngập sâu 4 m, hiện đang thiếu nước, áo quần và mì gói” – ông Bình nói.
Trong khi đó, theo ông Cao Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình, mưa lũ đã làm tuyến đường Quang Sơn - Cao Quảng (sát bờ sông Nan) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt.
T. Dũng – Q. Dũng - Q.Nhật
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo