Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu ô tô trên cổng thông tin điện tử của bộ tại địa chỉ dichvucong.mt.gov.vn theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Ngồi nhà làm thủ tục
Hệ thống nêu trên có 10 dịch vụ công trực tuyến áp dụng cho 10 thủ tục hành chính, gồm: 4 thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải ô tô, 2 thủ tục cấp biển hiệu và 4 thủ tục cấp phù hiệu.
DN chỉ cần 4 bước: đăng ký tài khoản, đăng nhập, nộp hồ sơ, nộp lệ phí thẩm định hồ sơ; nộp lệ phí cấp số và nhận kết quả xử lý hồ sơ. Hồ sơ được xử lý qua phần mềm, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép trực tuyến bằng việc sử dụng chữ ký số. DN nhận được kết quả trực tuyến chỉ trong 2 ngày.
Theo Bộ GTVT, người dân và DN không phải đến cơ quan quản lý để thực hiện việc cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu ô tô mà chỉ cần thực hiện các thủ tục này tại nhà, văn phòng DN thông qua internet. Trong quá trình thực hiện, người dân và DN sử dụng tài khoản được cấp (miễn phí) để giao dịch. Thông qua tài khoản này, họ có thể nắm rõ thông tin về quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Dịch vụ này còn cho phép người dân, DN lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, đóng phí và nhận kết quả như: nộp qua bưu điện, nộp trực tuyến; đóng phí trực tuyến, trực tiếp tại cơ quan cấp phép; nhận kết quả trực tuyến, nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, bộ đã phê duyệt chương trình dịch vụ công trực tuyến 2016-2017 và thời gian qua đã triển khai thực hiện cơ bản ở các lĩnh vực của bộ. Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn về mặt công nghệ, từ chỗ làm thí điểm sẽ nhân rộng ra tất cả sở GTVT trên cả nước.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai thí điểm tại 5 sở GTVT: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, sau đó triển khai tại tất cả sở GTVT trên cả nước từ ngày 1-1-2017.
Chống tiêu cực, nhũng nhiễu
Chia sẻ về những thủ tục hành chính từng gây không ít khó khăn cho DN vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Du lịch Hà Lan (tỉnh Thái Nguyên), cho biết khi xin giấy phép kinh doanh hoặc phù hiệu trước đây, DN gặp rất nhiều phiền hà về thủ tục. Thậm chí, khi mang hồ sơ lên cơ quan quản lý mà trong hồ sơ sai một câu, chữ hay thiếu một loại giấy tờ nào đó thì sẽ phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung.
“Dù đã bám vào các thông tư hướng dẫn để làm hồ sơ nhưng khi nhân viên của DN đi làm, cán bộ bảo giấy này phải công chứng. Ngày mai lên, họ lại bảo không cần công chứng. Có khi tháng sau lên xin giấy phép khác lại được hướng dẫn một cách khác khiến việc chạy đi, chạy lại mất nhiều thời gian” - ông Hà dẫn chứng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT, khẳng định dịch vụ công trực tuyến đã cải cách, rút ngắn được nhiều thủ tục về thời gian, kinh tế. Đặc biệt, dịch vụ này sẽ tạo được tính minh bạch, chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhìn nhận: “Giao dịch trực tuyến trong cấp giấy phép kinh doanh vận tải hay biển hiệu, phù hiệu nếu làm tốt sẽ giảm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và phiền hà cho DN”.
Con người mới là yếu tố quyết định
Dù bày tỏ ủng hộ những cải cách của ngành giao thông nhưng ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng thực hiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ mấy cũng không quan trọng bằng việc làm sao phải giám sát, quản lý được cán bộ thực thi nhiệm vụ để ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, bởi con người mới là yếu tố quyết định. “Tôi chưa biết thực sự việc thực hiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ hiệu quả tới đâu nhưng trước đây, để được cấp phù hiệu xe, nhiều khi DN rất vất vả, bởi hết bổ sung cái này lại bổ sung cái kia, đi lại rất mất thời gian, gây tốn kém cho DN” - ông Liên cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị cần tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho DN vận tải cũng như cơ quan quản lý tuyến và sở GTVT, để làm sao thống nhất cách làm cũng như cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện. Thông qua tập huấn, tất cả khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ, giải quyết. Nếu không, dù văn bản chỉ đạo như thế nhưng DN và cơ quan quản lý vẫn không “gặp nhau” thì DN vẫn sẽ bị “hành”.
Bình luận (0)