Ngày 6-7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi.
Buộc dân phải chống cát tặc
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an đã xử lý 2.128 vụ cát tặc, bằng 48% số vụ cả năm 2016; xử lý 749 đối tượng vi phạm, tịch thu 26 tàu thuyền hút cát, xử phạt 13,1 tỉ đồng.
Cũng theo Thứ trưởng Vương, đến tháng 5 có 824 mỏ cát, sỏi được các tỉnh, thành cấp phép. Sai phạm tại các mỏ cát thường gặp là khai thác vượt khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ không đúng quy định... Một số địa phương thiếu quản lý chặt chẽ dẫn đến một số chủ mỏ vi phạm pháp luật dẫn tới khiếu kiện trong nhân dân, như ở Phú Thọ, Bắc Giang, Đồng Nai...
Đáng chú ý, đối với các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm, nổi lên tình trạng vi phạm khai thác ngoài phạm vi dự án, lợi dụng chủ trương khai thác cát trái phép... Nạn cát tặc hoạt động nhiều ở một số tuyến các sông: Lô, Đà, sông Hồng, Thái Bình, Lai Vu, Mã, Lam, Hiếu, Trà Khúc, Hương, Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền, Hậu... Tình hình nóng đến mức ở một số địa phương, người dân lập chốt ngăn chặn, chống cát tặc.
Nói về quản lý khai thác cát, sỏi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết bộ này đang quản lý, khai thác 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển với chiều dài hơn 885 km; quản lý khai thác 137 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài hơn 707 km. "Vì ngân sách có hạn nên phải áp dụng xã hội hóa theo hình thức nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu sản phẩm để bù đắp" - ông Công phân trần.
Theo ông Nguyễn Văn Công, để chấn chỉnh quản lý, tới đây, Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng nghị định quy định về quản lý duy tu, nạo vét luồng đường thủy nội địa để trình Chính phủ trong tháng 10-2017.
Khai thác cát trái phép dọc sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi)Ảnh: Tử Trực
Lãng phí tài nguyên
Một vấn đề đáng lo ngại theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh là việc lãng phí tài nguyên cát cho san lấp công trình xây dựng. Ông Khánh và cả ông Lê Quý Vương đề nghị khẩn trương có giải pháp hạn chế việc dùng cát cho san lấp nền móng công trình, vừa lãng phí và gây cạn kiệt tài nguyên. "Khu đô thị quốc tế Đa Phước ở Đà Nẵng phải sử dụng 7 triệu m3 cát để san lấp. Với số lượng lớn như vậy, cả khu vực miền Trung lấy đâu ra cát nên họ mới đi mua lung tung. Phải lưu tâm để xử lý chuyện này" - ông Vương lo lắng.
Bên cạnh siết lại việc khai thác cát, sỏi trên sông theo chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu sản xuất vật liệu thay thế cát, sỏi dùng cho xây dựng, san lấp, không xuất khẩu cát kể cả cát nhiễm mặn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lo ngại trước nạn khai thác cát, sỏi tràn lan. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch, giấy phép về thăm dò, khai thác cát, sỏi. "Nếu quy hoạch, giấy phép nào còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, không còn phù hợp thì phải thay đổi quy hoạch hoặc rút giấy phép khai thác. Bên cạnh đó phải gắn quy hoạch khai thác cát sỏi với bảo đảm chống sạt lở bờ sông, biển; gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu đầu tư xây dựng" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng thay thế như tro xỉ than, cát mặn, cát nhân tạo từ đá...
Mở các đợt cao điểm chống cát tặc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ trong việc chấn chỉnh quản lý khai thác cát, sỏi. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định ban hành kèm theo quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và đường thủy nội địa, trình Thủ tướng trước ngày 30-9. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-7.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cát tặc; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.
Bình luận (0)