Ngày 5-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị liên quan để bàn về biện pháp xử lý tình trạng câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé.
Người thả ít, kẻ câu nhiều
Tháng 8-2013, TP chi hơn 300 triệu đồng để thả 450.000 con cá giống xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng bên cạnh hành động tích cực thả cá bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng thì nhiều người đang tận thu nguồn lợi thủy sản, thậm chí lạm sát cá bằng câu chùm, lưỡi bén khiến ông rất sốt ruột. “Cách đây 1 năm, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng đánh bắt cá trên các hệ thống kênh này. Nhưng đến nay, mức độ tận diệt thủy sản có phần gia tăng” - ông Trung nói.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khẳng định không có tình trạng lạm sát cá mà chỉ là câu quá nhiều. Mỗi ngày có từ 500-550 lưỡi câu với các hình thức câu một lưỡi, câu chùm (5-6 lưỡi câu/cần) và chài lưới. Theo ông Vĩnh, việc này không chỉ phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư mà còn đe dọa dòng kênh. Môi trường của 2 dòng kênh đang phục hồi tốt nên việc thả cá sẽ góp phần xử lý bùn lắng, cải tạo môi trường… “Việc câu cá sẽ gây ô nhiễm môi trường sống các loài thủy sinh và ô nhiễm nguồn nước” - ông Vĩnh lo lắng.
Đại diện quận Tân Bình cho biết đã nhiều lần tổ chức ra quân tuyên truyền, kêu gọi người dân không câu cá. Sau mỗi lần vận động, nạn câu cá có giảm nhưng hết đợt tuyên truyền thì “đâu lại vào đấy”. Vì thế, quận Tân Bình đề nghị TP có giải pháp mạnh hơn. Đại diện các quận 4, 5, 6… khẳng định đã làm tốt khâu tuyên truyền, vận động nhưng do phần lớn người dân từ nơi khác đến câu nên khó xử lý.
Cấm hay không?
Theo ông Vĩnh, các quy định của pháp luật hiện nay không cấm hình thức câu chùm, chài lưới… Vả lại, nguồn lợi thủy sản cũng cần được khai thác, nếu không sẽ xảy ra tình trạng hệ sinh thái bị quá tải. Vấn đề ở đây là khai thác như thế nào? Ông Vĩnh đề xuất không chỉ riêng hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé mà trong thời điểm các dòng kênh nội thành đang phục hồi hệ sinh thái nên cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức, ít nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tư pháp, TP không thể ban hành lệnh cấm hay hình thức xử phạt hành chính vì pháp luật chưa quy định điều này.
Ông Nguyễn Thanh Nhựt, đại diện Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM, tỏ ra băn khoăn với việc cấm câu cá. Theo ông, việc câu cá bên bờ kênh là một hình ảnh đẹp của TP, không những cho thấy sự bình yên mà còn chứng tỏ dòng kênh không còn ô nhiễm. Vì thế, ông Nhựt cũng thống nhất chỉ nên cấm câu cá một thời gian để nguồn lợi thủy sản trên các dòng kênh phục hồi. Luật Thủy sản cũng quy định thời điểm cấm đánh bắt đối với những loài cá nhất định, TP có thể căn cứ vào điều này để xử phạt.
Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, không ủng hộ phương án “không quản được là cấm”. Theo ông, việc treo băng rôn cấm câu cá dọc tuyến kênh sẽ làm các địa phương khác tưởng rằng người dân TP HCM rất kém ý thức. Ngoài ra, hành vi câu cá thường đi kèm với xả rác và đậu xe không đúng chỗ. Vì vậy, lực lượng chức năng cũng nên thường xuyên kiểm tra, xử phạt các hành vi này để giảm bớt tình trạng câu cá trên kênh.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch góp ý bên cạnh lực lượng dân phòng nên thêm công an để nhắc nhở những người câu cá thì sẽ hiệu quả hơn.
Bình luận (0)