Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo về ban hành bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện (BV) Việt Nam, sau 3 năm thí điểm.
Vì người bệnh
Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam gồm 83 tiêu chí với hơn 1.500 tiểu mục đánh giá được kết cấu trong 5 phần (hướng đến người bệnh, phát triển nguồn lực, hoạt động chuyên môn, cải tiến chất lượng, đặc thù chuyên khoa) và 5 mức độ chất lượng (kém, trung bình, khá, tốt, rất tốt).
Theo Bộ Y tế, sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm, bộ tiêu chí chất lượng BV cho kết quả ngưỡng điểm trung bình của các BV tuyến trung ương chỉ đạt khoảng 3,5/5 điểm; BV tuyến tỉnh 2,8/5 điểm; BV tuyến huyện 2,6/5 điểm và BV ngoài công lập 2,9/5 điểm. Đáng chú ý là có một số BV trung ương đạt được điểm khá như BV Việt Đức 4,1/5 điểm, BV Bạch Mai 4,2/5 điểm, BV Chợ Rẫy 4,1/5 điểm nhưng vẫn trong tình trạng quá tải trầm trọng. Cùng với đó, trong bảng đánh giá về chất lượng BV năm 2015, có 5 BV đa khoa tỉnh và trung ương đạt dưới điểm 3/5, gồm: BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (2,65 điểm), BV Đa khoa tỉnh Hà Nam (2,8 điểm), BV Tâm thần trung ương 2 (2,7/5 điểm), BV Đa khoa tỉnh Nam Định (2,9/5 điểm) và BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang (2,7 điểm). “Với những BV chỉ đạt số điểm dưới 3/5 là rất đáng phải suy nghĩ bởi bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV không có gì quá cao xa” - ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nhận định.
Với việc xây dựng lại bộ tiêu chí, đưa vào những tiêu chí mới hướng đến người bệnh, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng BV nào muốn đạt được điểm cao hơn phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và đầu tư đào tạo, tập huấn nhân lực để nâng cao chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đang gấp rút lấy ý kiến để chính thức áp dụng trên cả nước trong năm 2017.
Chưa hài lòng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá nhiều BV sau thời gian thí điểm áp dụng bộ tiêu chí đã có những chuyển biến rõ rệt, từ cải tiến quy trình khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm đến môi trường, cảnh quan, xây dựng phác đồ, chất lượng chuyên môn... Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh góp phần thay đổi hẳn bộ mặt BV. Tuy nhiên, công tác khám bệnh, chữa bệnh cũng còn những hạn chế; tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận nhân viên y tế chưa tốt; việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ; các sai sót y khoa cũng hay xảy ra, thậm chí tại những BV đầu ngành. Do vậy, theo bà Tiến, việc bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng BV phù hợp với yêu cầu thực tiễn đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là rất cần thiết.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng bộ tiêu chí là công cụ, thước đo để BV tự định vị mình đang đứng ở đâu trong hệ thống BV, từ đó làm tốt hơn. Trên thực tế, theo ông Khuê, thời gian vừa qua có sự khác biệt theo từng tuyến, từng hạng BV. Chẳng hạn, ở BV tuyến trung ương, người bệnh hài lòng về trang thiết bị, kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn nhưng chưa hài lòng về thái độ của nhân viên, về sự quá tải BV. Trong khi đó, ở BV tuyến dưới, người bệnh khá hài lòng về thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, thái độ đón tiếp của nhân viên nhưng năng lực chuyên môn lại chưa đáp ứng mong đợi.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng nhìn nhận trong 3 năm thực hiện thí điểm bộ tiêu chí, đã có nhiều BV cải tiến với tập trung số 1 là hướng tới người bệnh. Cho rằng bộ tiêu chí như một xuất phát điểm của quá trình cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh, ông Kính nhấn mạnh thông qua điểm số, các BV biết mình đang nằm ở đâu trên hệ thống, làm tốt hay chưa. “Trên cơ sở này, người đứng đầu BV có thể thúc đẩy quá trình cải thiện dịch vụ” - ông Kính chia sẻ.
5 mức độ chất lượng
Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết trong 5 mức độ chất lượng mà bộ tiêu chí đề ra, các tiêu chí ở mức 2 là những vấn đề tối thiểu, không thể không có với người bệnh. Mức 3 là yêu cầu thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật, đúng hướng dẫn của ngành. Mức 4 là những việc có thể thực hiện được trong vòng 1-3 năm để BV phấn đấu nhằm mục đích cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn cho người bệnh. Mức 5 là những mục tiêu lâu dài hướng tới các tiêu chuẩn cấp quốc tế.
Bộ Y tế không bắt buộc các BV phải đạt được mức 5 nhưng đây là đích để nỗ lực hơn, hướng đến xây dựng BV thực sự có chất lượng tốt.
Bình luận (0)