Những năm gần đây, nhất là vào các dịp lễ tết, nhiều người đua nhau ra nước ngoài du lịch, nhất là các nước Đông Nam Á. Tính riêng trong năm 2012, có khoảng 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, tăng 20% so với cùng kỳ.
Một du khách đang bị nhóm trẻ bán quà lưu niệm truy đuổi ráo riết ở bãi đá cổ Sa Pa. Ảnh: MINH CHÂU
Đi du lịch như... đánh trận
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty dã ngoại Lửa Việt, lý giải: Vọng ngoại là tâm lý chung của nhiều người. Giá các tour du lịch nước ngoài luôn bằng hoặc thấp hơn giá tour trong nước nên nhiều người chọn ra nước ngoài là điều dễ hiểu. "Phòng khách sạn 4 sao ở Campuchia chỉ khoảng 400.000 đồng trong khi ở Việt Nam thì cao hơn nhiều và hay tăng giá vô tội vạ" - ông Mỹ dẫn chứng.
Với những người thích khám phá, thích du lịch tự do thì đi nước ngoài là lựa chọn số một. "Từ TPHCM ra các tỉnh phía Bắc chơi chi phí không dưới 10 triệu đồng trong khi cũng với số tiền đó, có thể "vi vu" 3 nước Lào, Campuchia, Thái Lan" - chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ TPHCM) cho biết.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Mai (ngụ tỉnh Bình Dương), tính chuyên nghiệp trong tổ chức và an ninh mới là yếu tố quyết định để hút du khách. Điều chị hài lòng nhất khi đi nước ngoài là lúc nào cũng được tiếp đón bằng những nụ cười nồng hậu và cung cách phục vụ chu đáo. "Du lịch nước ngoài mình là khách còn trong nước, mình là con mồi" – chị Mai đúc kết.
Dẫn chứng thêm, chị Hồ Thị Minh Châu (ngụ tỉnh An Giang) kể: Năm 2011, chị đưa cả gia đình đi Singapore - Malaysia - Philippines rồi ra Bắc. "Sau 10 ngày ở nước ngoài, vừa đặt chân đến Hà Nội là ba mẹ tôi bị sốc vì đi tới đâu cũng bị bắt chẹt, chửi bới". Khi lên Sa Pa, dù phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ nhưng cũng không làm ba mẹ chị Châu bớt căng thẳng. "Suốt hơn nửa giờ thăm bãi đá cổ Sa Pa, gia đình tôi bị một nhóm 7-8 trẻ em cứ vây lấy, ra rả: "Mua cho cháu cái này (quà lưu niệm), nếu không mua thì cho 50 (50.000 đồng - PV) chia nhau", rất bực mình! Ba mẹ tôi tuyên bố từ nay không bao giờ ra Bắc vì đi chơi mà cứ như đi đánh trận" - chị Châu nói.
Để xảy ra tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đều do khâu tổ chức và quản lý yếu kém của nhà nước. "Không phải tự nhiên người dân chỉ chăm chăm coi khách là con mồi, chủ yếu là do pháp luật chưa nghiêm, mức phạt quá nhẹ hoặc quản lý theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa khiến họ lờn luật" – ông Mỹ nhận định.
Hình ảnh tuyệt mỹ trong hang Sơn Đoòng nhưng chưa được khai thác du lịch. Ảnh: KHANH HỒ
Thất vọng nhiều thứ
Nếu bỏ qua yếu tố giá cả, chặt chém thì mặt bằng chung của du lịch nội địa hiện cũng không ghi được nhiều điểm trong mắt du khách. "Việt Nam mình đẹp với rừng vàng biển bạc và có bề dày lịch sử, văn hóa nhưng giờ đây đã bị tàn phá rất nhiều. Đi du lịch trong nước chỉ tổ thất vọng" – chị Oanh nhận định.
Đà Lạt (Lâm Đồng), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) trước đây là những thiên đường du lịch ở phía Nam, bây giờ thì như một vũ nữ xế chiều: Mệt mỏi và nhàu nhĩ. Trong khi đó ở phía Bắc, nhiều làng cổ ven Hà Nội đang dần hóa phố. Trong khi Cự Đà đang bị "nuốt chửng" bởi khu đô thị Xa La bao quanh thì Đường Lâm, nơi được mệnh danh là "Bảo tàng về lối sống nông nghiệp, nông thôn miền Bắc Bộ" thì đang được trưng bày những món đồ tân thời là những ngôi biệt thự hiện đại, sang trọng.
Thắng cảnh, di tích xuống cấp nhưng phí tham quan cứ tăng từng ngày. Vé vào lăng Tự Đức (Thừa Thiên – Huế) là 55.000 đồng/khách. Tuy nhiên, vừa qua cổng, ai cũng nhăn mặt khi trước mắt là hồ nước đục ngầu; những căn nhà hóng mát dọc hồ xiêu vẹo, mối mọt và được chằng chống rất mất mỹ quan. " Ở nước ngoài, người dân được miễn phí vé tham quan các di tích lịch sử thì ở mình lại thu vé rất cao trong khi việc bảo tồn không được chú trọng " – anh Nguyễn Đình Cường (ngụ TPHCM) thất vọng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chánh văn phòng Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết để bỏ vé tham quan cho du khách trong nước thì cần tạo được một quỹ đặc biệt để dành cho công tác bảo tồn. Ông Phúc nói: "Ở một số nước, khách ở khách sạn thì phải trả thêm một khoản phí gọi là thuế du lịch hay thuế bảo vệ di sản. Nguồn thu từ loại thuế này được sử dụng bảo tồn duy tu các công trình di tích".
Trong khi nhiều thắng cảnh, di tích đang bị con người khai thác đến tàn tạ thì không ít báu vật đang bị lãng phí. Hệ thống hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được coi là kì vĩ bậc nhất thế giới nhưng chỉ mới được khai thác một phần rất nhỏ. Trưởng đoàn khám phá hang động Hoàng Gia Anh, ông Howard Limbert nói: "Việc mới chỉ đưa được động Thiên Đường và động Phong Nha vào khai thác có thể dẫn đến nhàm chán. Chưa kể, nếu biết khai thác du lịch một cách sáng tạo và bài bản thì báu vật này sẽ đem lại cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương".
Chuyện bình thường Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam, cho biết khoảng 10 năm gần đây, nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Vì thế, cùng với lượng khách du lịch nội địa tăng nhanh, khách đi du lịch nước ngoài cũng tăng; đó là chuyện bình thường. Theo ông Tuấn, không vì chặt chém mà người Việt đi du lịch nước ngoài. Ở châu Âu có những nước tỉ trọng người dân đi du lịch nước ngoài xấp xỉ dân số. "Phải nhìn nhận việc du khách đi nước ngoài như một hiện tượng khách quan theo quy luật phát triển chứ không nên xem đó là bất thường, do một yếu tố nào đó tác động đến" - ông Tuấn nhận định.
Y.Anh |
Bình luận (0)