xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chán nản du lịch nội địa: Èo uột du lịch sông nước

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bắt gặp đờn ca tài tử, thăm chợ nổi, chèo ghe, câu cá… ở hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL và những món giải trí này đang khiến du lịch nơi đây trở nên tẻ nhạt

ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái song nhiều năm qua, vẫn mãi trì trệ do thiếu nhân lực, cơ sở hạ tầng yếu, sản phẩm du lịch đơn điệu...

Đường xa, đắt đỏ

Theo ông Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA), một trong những lo ngại của du khách trong nước đối với ĐBSCL là chi phí vận chuyển đắt đỏ. Chị Phạm Thị  Hoài Thu (ngụ Hà Nội) cho biết vào mùa hè, miền Bắc nóng như đổ lửa nên cũng muốn vào miền Tây chơi nhưng nghĩ đến vé máy bay mà ngại. “Chi phí cho một chuyến đi như vậy không dưới 10 triệu đồng, nếu dành số tiền này để đi nghỉ mát ở các khu ven biển miền Trung hoặc qua Thái Lan chơi thì lại rẻ hơn” - chị Thu nói.
 
img

Du khách chèo ghe trong Khu Du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ)
Ảnh: THỐT NỐT

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Du lịch Vòng tròn Việt, cho rằng nếu vé máy bay giảm từ 30%-50% thì may ra ĐBSCL mới thu hút được khách du lịch từ miền Bắc, Trung. Trước đề nghị này, ông Nguyễn Phúc Điền, Trưởng chi nhánh Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) tại Cần Thơ, cho biết VNA sẵn sàng hợp tác với các đơn vị lữ hành, từ nay đến cuối năm 2013, giảm từ 38%-58% giá vé máy bay từ Hà Nội đến ĐBSCL. Điều kiện đặt ra là các công ty du lịch phải giảm 30% giá tour.

Không chán mới lạ!

Tuy nhiên, anh Nguyễn Thế Vinh, hướng dẫn viên du lịch Công ty TNHH Du lịch Bạn Đường châu Á, đánh giá: Đường xa không hẳn là nguyên nhân chính, cái cốt yếu là du lịch ĐBSCL quá chán. Sông nước hữu tình, khí hậu mát mẻ là ưu thế của vùng đất này nhưng đôi khi thành điểm yếu khi cách thức khai thác, tổ chức du lịch ở tỉnh nào cũng na ná nhau. “Đi đâu  cũng đờn ca tài tử, chèo đò, đi xe ngựa..., khách không chán mới lạ!” - anh Vinh nhận xét.
 
img
Mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc, ngày càng kém hấp dẫn vì bị bê-tông hóa
Ảnh: DUY NHÂN

Còn theo chị Huỳnh Thị Ngọc Mai (ngụ TP HCM) thì người miền Tây làm du lịch rất hồn nhiên, chỉ cung cấp những cái có sẵn chứ không đặt mình vào hoàn cảnh, nhu cầu của khách để sáng tạo, nâng cấp dịch vụ. “Chưa kể, đêm ở miền Tây, trừ TP Cần Thơ, cứ khoảng 21 giờ là đường sá vắng tanh, buồn nẫu ruột!” - chị Mai than.

Vì lẽ đó, miền Tây chỉ thực sự hấp dẫn với những người chưa từng đặt chân đến. Mũi Cà Mau, điểm cực Nam của Tổ quốc, là một ví dụ. Để đến đất Mũi, du khách phải rêm mình qua hàng trăm cây số đường bộ lẫn đường sông rồi chỉ đi bộ vào rừng chụp ảnh với cột mốc hoặc lên đài vọng cảnh ngắm mảnh đất tận cùng của Tổ quốc đang bị bê-tông hóa khô cứng.

Rừng tràm Trà Sư và cụm chùa miếu ở các huyện miền núi là thế mạnh để du lịch An Giang tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, hiện các điểm du lịch tâm linh ở huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc đang rối như canh hẹ bởi tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa lọc du khách của các cò mồi heo quay, chim phóng sinh, vàng mã... Ngoài ra, chi phí lưu trú ở đây dường như bị thả nổi hoàn toàn. “Cách đây vài tháng, tôi cùng gia đình đi Châu Đốc chơi. Khi ghé vào một nhà trọ phía sau miếu Bà Chúa Xứ thì bị “hét” giá tới 1,6 triệu đồng/phòng/đêm” - anh Nguyễn Văn Long bức xúc.

Trong khi đó, cách Châu Đốc khoảng 20 km thì các dịch vụ phục vụ du khách đến thăm rừng tràm Trà Sư hầu như không có gì. Anh Phạm Văn Lộc (ngụ TP HCM) cho biết rất tiếc nuối khi đến tận nơi nhưng không được ngắm cảnh chim về tổ khi mặt trời lặn. “Trong rừng Trà Sư không có chỗ cho khách lưu trú đã đành, xung quanh khu vực cũng chỉ là ruộng đồng, cư dân thưa thớt nên chúng tôi phải tranh thủ về Châu Đốc ngủ đêm” - anh Lộc nói.

Nhân lực thiếu và yếu

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đến năm 2015, toàn vùng ĐBSCL cần đến hơn 128.000 người tham gia vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, con số này chỉ mới hơn 23.000 người. Nhiều giám đốc điều hành khách sạn lớn ở ĐBSCL cho biết rất khó kiếm được người được đào tạo qua trường lớp, có bằng cấp chuyên ngành du lịch. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Khu Du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long), đơn vị có 70 nhân viên, trong đó phần lớn có bằng trung cấp, còn bằng đại học chuyên về du lịch rất hiếm.

Hiện toàn vùng chỉ có Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ đào tạo chuyên về du lịch. Ngoài ra, Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH An Giang có đào tạo ngành này nhưng chất lượng còn hạn chế. Trong một hội thảo về nguồn nhân lực du lịch được tổ chức ở tỉnh An Giang, TS Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng ngoài việc đào tạo nhân lực du lịch có chất lượng thì cần có sự hợp tác tích cực từ phía doanh nghiệp. “Phải có sự liên kết chặt chẽ để tránh tình trạng đào tạo xong nhưng doanh nghiệp không nhận sẽ dẫn đến thất nghiệp” - ông nhìn nhận.
 

Phát ngán với cá tai tượng!

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật phong phú nhưng cứ về miền Tây, du khách lại được đãi ăn cá tai tượng, chả giò, canh chua cá lóc... Anh Nguyễn Thế Vinh cho biết cá tai tượng là món ám ảnh nhất đối với anh trong suốt nhiều năm đưa du khách đi miền Tây. “Ăn trưa ở Vĩnh Long là cá tai tượng chiên xù, chiều về Cần Thơ lại... chiên xù cá tai tượng. Nhiều khi tôi phải liên hệ trước với nhà hàng đổi từ chiên xù sang hấp để khách không nhàm chán” - anh Vinh kể.
T.Kim

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-6

Kỳ tới: Huyền thoại ngủ quên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo