Ngoài 4 điểm cực Nam - Mũi Cà Mau, Bắc - Lũng Cú (Hà Giang), Đông - Mũi Đôi (Khánh Hòa), Tây - A Pa Chải (Điện Biên), nước ta còn có mũi Tràng Vỹ (Quảng Ninh), ngã ba Lũng Pô (Lào Cai), ngã ba Đông Dương (Kon Tum). Cực Bắc, Nam và mũi Tràng Vỹ tương đối dễ đi và có đầu tư về du lịch, những nơi còn lại hầu như chỉ là con số 0.
Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt… Câu hát trong bài Gởi anh ở cuối sông Hồng - thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến - không hề xa lạ với người Việt nhưng mấy ai từng đặt chân đến đây - ngã ba Lũng Pô?
Thăm Lũng Pô trong ngày hè rực nắng 2012, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi bên kia biên giới là Trung Quốc với đường cao tốc, xe cộ tấp nập, còn bên ta thì không một bóng người. Nhờ đã chuẩn bị trước nên chúng tôi vào đồn biên phòng gần đó để núp nắng, ăn trưa và tranh thủ đi tiếp vì không có hàng quán, nhà trọ gì để lưu lại.
Để chạm tay vào điểm cực Tây, nơi giao nhau giữa biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, du khách phải leo qua 3 quả đồi với nhiều con dốc dựng đứng, trơn trượt. “Hướng dẫn viên” chinh phục cực Tây không có ai khác ngoài những người lính quân hàm xanh. Vào những đợt cao điểm, du khách đổ về chinh phục cực Tây, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Pa Chải phải nhường phòng cho họ nghỉ lại.
Du lịch khám phá mạo hiểm như vậy nhưng việc trang bị kỹ năng, bảo hộ và bảo hiểm hầu như không có nên chuyện xui rủi vẫn thường xảy ra. Cực Đông - Mũi Đôi (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) từng chứng kiến chuyện đau lòng khi một nữ du khách đột tử ngay trên đường chinh phục vì kiệt sức do phải đi bộ 5 km qua “sa mạc” nóng bỏng. “Hướng dẫn viên” kiêm phục vụ du khách ở đến điểm cực Đông này chỉ là vài người dân địa phương.
Gian nan đi tìm huyền thoại
Thác Bản Giốc là danh thắng được đưa vào sách giáo khoa nhưng chẳng mấy người Việt từng đến đó vì hàng chục năm nay, địa danh này mải ngủ quên trong miền biên viễn. Trong hành trình đến Bản Giốc cách đây ít lâu, chúng tôi không chỉ vật vã vì 80 km đường đầy ổ voi, ổ gà mà còn phải dừng hỏi đường liên tục do thiếu bảng chỉ dẫn. Đem thắc mắc này hỏi Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Hà Ngọc Chiến, ông “giật mình”: “Nếu có sơ suất này thì Sở GTVT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải khắc phục ngay bởi Bản Giốc là tài sản không chỉ của Cao Bằng mà còn là địa danh được người dân các nước muốn đặt chân đến”.
Trước khi Saigontourist khởi công dự án khách sạn 4 sao ở thác Bản Giốc cách đây chừng 6 tháng, khu vực này hầu như không có cơ sở lưu trú nào. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng và Tổng cục Du lịch vẫn đang loay hoay với bài toán “đánh thức tiềm năng” Bản Giốc.
Trong nhiều ngày rong ruổi trên dãy Trường Sơn, ấn tượng đọng lại trong chúng tôi chỉ là con đường Hồ Chí Minh đẹp như thơ nhưng vắng bóng người; nhiều địa danh, cột mốc lịch sử trơ trọi cùng thời gian. Không chỉ chưa phát triển được du lịch về nguồn, tuyến đường này còn hoang sơ đến mức ở nhiều đoạn, chúng tôi phải mang theo can xăng vì suốt 200 km không có dân cư.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho biết rất tâm huyết với tuyến đường Hồ Chí Minh. Năm 2003, Lửa Việt đã tổ chức một số chuyến đi tái hiện đường Hồ Chí Minh lịch sử. “Sau khi tổ chức được 5-6 chuyến, chúng tôi đành gác lại vì ngoài chuyện ở đây thiếu hẳn các dịch vụ phục vụ du lịch thì khâu tìm hướng dẫn viên thực sự am hiểu lịch sử cũng hết sức khó khăn” - ông Mỹ băn khoăn.
Kỳ tới: Mỏi mòn du lịch đảo
Quảng Nam: Khôi phục tuyếndu lịch đường Hồ Chí Minh Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng dự án phát triển tuyến du lịch dọc đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 3 km qua xã Cà Dy, huyện Nam Giang, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 6-2013. Đây là tuyến đường còn mang vẻ đẹp nguyên sơ, quanh co theo những cánh rừng hùng vĩ nằm cạnh các bản làng của người Cơ Tu. Theo ông Hồ Tấn Cường, phó giám đốc sở, tuyến du lịch này không chỉ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, sự khốc liệt của chiến tranh mà còn phát huy những giá trị văn hóa, tạo thu nhập cho người Cơ Tu, từ đó giảm thiểu nạn phá rừng”. _B.Vân |
Bình luận (0)