Đến chiều 16-7, công tác di dời toàn bộ chất thải của nhà máy Formosa (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa - Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) chôn lấp trái phép tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, đã hoàn thành. Số lượng cất bốc tính cả chất thải và đất vào khoảng 300 tấn.
Lộ thêm nhiều điểm đổ chất thải
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), toàn bộ khối lượng chất thải sau khi được cất bốc thu gom về sẽ được niêm phong tạm giữ tại kho của Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh. Khu vực chôn lấp chất thải ở trang trại của ông Hòa cũng bị niêm phong để phục vụ lấy mẫu phân tích môi trường.
Đáng nói là trong khi cơ quan chức năng đang hoàn tất cất bốc chất thải chôn lấp tại trang trại của ông Hòa thì khoảng 6 giờ sáng 16-7, Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, lại nhận tin báo từ người dân về việc ông Hòa cho chôn một số bùn thải có nguồn gốc từ nhà máy Formosa trong công viên môi trường của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, tại phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Công an thị xã Kỳ Anh có mặt tại hiện trường, lập hồ sơ ban đầu; đồng thời phối hợp với cán bộ chuyên môn Bộ TN-MT, PC49 - Công an tỉnh, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, Phòng TN-MT thị xã Kỳ Anh, chính quyền phường Sông Trí xác minh làm rõ.
Tại đây, lực lượng chức năng xác định có khoảng 10 tấn chất thải dạng bùn màu đen được chôn lấp nên đã cất bốc, lấy mẫu kiểm tra. Theo phản ánh của người dân, số chất thải trên được ông Hòa đem về đổ cách đây khoảng 3 tháng. Tối 15-7, người dân phát hiện công ty này tới đào chất bùn đem đi nơi khác nên đã báo cơ quan chức năng.
Ngoài địa điểm này, ông Hòa còn cho chôn lấp một lượng lớn chất thải tại bãi rác của công ty này ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh. Lập tức cơ quan chức năng đến kiểm tra, phát hiện nơi đây có khoảng 4 tấn chất thải dạng bùn, màu đen có nguồn gốc từ nhà máy Formosa.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xác nhận sáng 16-7, ông Lê Quang Hòa đã trình báo và khai nhận có đổ chất thải có nguồn gốc từ nhà máy Formosa tại 2 địa điểm trên. Ông Sơn nhấn mạnh: “Toàn bộ chất thải vừa phát hiện sẽ được cơ quan chức năng thu gom, lấy mẫu phân tích theo quy định”. Cũng theo ông Sơn, hiện công an đang tiếp tục làm việc với ông Hòa để làm rõ công ty này còn chôn lấp chất thải trái phép có nguồn gốc từ nhà máy Formosa ở đâu nữa hay không.
Trong khi đó, liên quan đến thông tin khoảng 50-70 tấn rác thải sinh hoạt, xây dựng có nguồn gốc từ nhà máy Formosa đổ tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho hay huyện đã đến kiểm tra, lập biên bản và báo cáo cho tỉnh về lấy mẫu. Ông Vĩnh xác nhận: “Toàn bộ số rác trên đã được đổ ở đây nhiều năm. Dự kiến trong 2-3 ngày tới, chúng tôi sẽ thu gom, di dời toàn bộ số rác này về nơi xử lý an toàn”.
Đưa chất thải nguy hại ra Phú Thọ
Ngày 16-7, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (Công ty Phú Hà) đã có báo cáo gửi Sở TN-MT Phú Thọ về việc vận chuyển chất thải từ Formosa về chôn lấp ở địa phương này. Tại báo cáo, Công ty Phú Hà khẳng định không ký bất kỳ một hợp đồng nào để xử lý bùn thải và dịch thải lỏng với Formosa. Thay vào đó, vào tháng 8-2015, công ty có ký hợp đồng với Formosa để xử lý 7 nhóm chất thải nguy hại gồm: giẻ lau, găng tay dính dầu thải, màn hình máy tính, linh kiện điện tử, mực in, thùng dầu thải, thùng sơn. Theo đó, từ tháng 10-2015 đến tháng 6-2016, Công ty Phú Hà đã thu gom, vận chuyển về Phú Thọ 4 loại chất thải: Vỏ thùng sơn (79,9 tấn), bao bì cứng thải bằng kim loại (54,6 tấn), bóng đèn huỳnh quang thải (480 kg), giẻ lau dính dầu (7,3 tấn). Tổng khối lượng thu gom, xử lý là 142,4 tấn.
Ông Hoàng Trí Thức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Hà, khẳng định vỏ thùng sơn được bàn giao cho Công ty Phú Hà sau khi phía Formosa đã sử dụng hết hóa chất bên trong. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những loại vỏ thùng như vậy được coi là chất thải nguy hại. Do đó, trong hồ sơ đều phải thể hiện là chất thải nguy hại và trên thực tế thì tỉ lệ thành phần nguy hại bám dính vào vỏ thùng công ty nhận từ Formosa khoảng từ 3%-5% tổng khối lượng. Số vỏ thùng có thành phần nguy hại này được thu gom, vận chuyển bằng xe chuyên dụng và xử lý tại các hệ thống xử lý chất thải nguy hại ở nhà máy xử lý chất thải công nghiệp của Công ty Phú Hà, tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Ông Thức còn nêu rõ: Công ty Phú Hà không ký bất kỳ hợp đồng nào với Công ty Kỳ Anh như báo cáo của Sở TN-MT Hà Tĩnh nêu.
Lập tổ công tác giám sát xả thải của Formosa
Chiều 16-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cơ quan chức năng đã có kết quả phân tích ban đầu về mẫu chất thải Formosa chôn lấp trái phép ở trang trại của ông Lê Quang Hòa. Theo đó, có 13/15 chỉ tiêu dưới ngưỡng cho phép, 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Cũng theo ông Thắng tỉnh đang chờ kết quả phân tích từ các đoàn của Bộ TN-MT, sau đó sẽ thống nhất công bố cho khách quan và chính xác hơn.
Liên quan đến việc Formosa liên tiếp để chất thải độc hại từ nhà máy này phát tán ra môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt do một phó chủ tịch tỉnh phụ trách. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình xả thải tại nhà máy Formosa cũng như Khu Kinh tế Vũng Áng.
Bình luận (0)