Trưa 4-5, hàng ngàn du khách đến TP Đà Nẵng đón xe, mua vé tàu trở về nhà. Trong đó, nhiều người phải chấp nhận đi xe dù, ngồi ghế phụ.
Bị “chặt chém”, nhồi nhét
Tại ga Đà Nẵng, hàng trăm người đến mua vé, chủ yếu đi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An nhưng đều thất vọng vì hết vé. Trong khi đó, tại Bến xe Đà Nẵng, lượng khách ra Huế và Quảng Bình cũng rất đông.
Không mua được vé, nhiều hành khách phải đón xe ngoài bến với giá cao hơn ngày thường. Tuyến Đà Nẵng - Huế, các chủ xe tự ý tăng cước từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/người. Tuyến Đà Nẵng - Quảng Bình tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng/người...
Tại ga Đồng Hới (Quảng Bình), các chuyến tàu SE1, SE3, SE19 chạy tuyến Hà Nội - TP HCM đã hết vé. Ngày 4-5, lượng khách chờ tàu tại đây để vào Nam khá đông. Vì vậy, nhiều người phải mua vé ghế phụ để kịp trở lại làm việc. Tình trạng quá tải này cũng xảy ra tại các ga Đông Hà (Quảng Trị), Huế.
Lượng khách đi ô tô ở khu vực này cũng tăng đột biến. Tại Bến xe phía Nam TP Huế, các tuyến đi Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, TP HCM... đã hết vé. Để giảm khách, ngày 4-5, bến xe này phải tăng cường xe cho tuyến Đà Nẵng. Trong khi đó, bên ngoài Bến xe phía Nam TP Huế, các xe dù tranh giành khách gây mất trật tự.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 3 và 4-5, nhiều người không mua được vé tàu từ miền Nam ra các tỉnh phía Bắc.
Trên chuyến tàu SE2 xuất phát từ TP HCM ra Hà Nội vào tối 3-5, hành khách phải chấp nhận bị nhồi nhét. Những khoảng trống ở các toa đều có người ngồi, lối đi tại 2 toa ghế ngồi gần đầu tàu được kê thêm hàng ghế nhựa cho khách. Do phải vật vờ nhiều giờ nên hầu hết hành khách ngồi ghế phụ đều tỏ ra mệt mỏi.
Anh Ngô Văn Phùng (ngụ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết do chơi lễ “quá kỹ”, đến trưa 3-5, anh và vợ mới đến ga Sài Gòn mua vé về Tam Kỳ. Tuy nhiên, do chỉ còn một vé giường nằm tầng 2 với giá 889.000 đồng, anh phải mua thêm ghế phụ với giá 537.000 đồng.
Đón tàu SE2 từ ga Diêu Trì (Bình Định), một nữ hành khách cho biết sau chuyến du lịch, sáng 4-5, bà cùng bạn bè đến ga mua vé về Đà Nẵng nhưng chỉ còn 2 vé giường nằm nên dành cho 2 người có sức khỏe yếu. Bốn người còn lại đành ra Quốc lộ 1 đón xe dù.
Trong khi đó, sáng 4-5, du khách từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đồng loạt trở vào đất liền. Do lượng du khách đến đảo Lý Sơn quá đông, trong khi tại đây chỉ có 4 tàu vận chuyển nên không đáp ứng được nhu cầu vào đất liền của du khách. Nhiều du khách chờ khá lâu nhưng vẫn không mua được vé. Không ít người chấp nhận đi tàu hàng, tàu cá của ngư dân địa phương.
Vé hết trước nhiều ngày
Chiều 4-5, tại các điểm giao nhau giữa Quốc lộ 1 với Quốc lộ 29, Quốc lộ 25 và đường lên huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nhiều đoàn người đón xe dù để trở lại TP HCM. Nhiều người cho biết đã chờ từ sáng sớm đến chiều nhưng vẫn không đón được xe.
“Do công an tuần tra liên tục nên nhiều xe không dám dừng đón khách. Nhiều xe dừng nhưng chẳng còn chỗ. Em dự định vào TP HCM từ hôm qua nhưng không mua được vé nên phải đón xe dù” - Trần Tuấn Minh (quê xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, hiện là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM ) bộc bạch.
Nguyễn Trần Bảo Thi (quê xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang đón xe dù tại ngã tư Quốc lộ 1A và Quốc lộ 25 để về Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết từ ngày 29-4, cô đã đặt vé đi vào ngày 4-5 nhưng nhà xe nào cũng bảo hết vé. Vì vậy, Thi phải đón xe dù.
Theo ông Nguyễn Thành An, Trưởng điều hành Bến xe Thuận Thảo Tuy Hòa, nhà xe Thuận Thảo mới mua 5 xe khách giường nằm để vận chuyển khách trong dịp lễ, nâng số xe chạy tuyến Tuy Hòa - TP HCM mỗi ngày từ 4 lên 9 nhưng vẫn không đủ.
Ông Trần Văn Trình, Giám đốc Bến xe liên tỉnh Phú Yên, ngày 4-5 cho biết trong dịp lễ, 7 doanh nghiệp trong bến chạy tuyến Tuy Hòa - TP HCM và ngược lại đã nâng số đầu xe hoạt động mỗi ngày từ 17 lên 35 nhưng vé tuyến này đã hết từ 2 ngày trước.
Tại ga Tuy Hòa, chiều cùng ngày, nhiều người đến mua vé vào lại TP HCM nhưng không được dù các tàu đều tăng cường ghế phụ.
Hà Nội, TP HCM: Không xảy ra ùn tắc giao thông
Chiều 4-5, hàng vạn người từ các tỉnh đã trở lại Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, do người dân đổ về rải rác trong ngày nên không xảy ra tình trạng ùn tắc trên tuyến đường trọng điểm ở các cửa ngõ của thủ đô.
Chiều cùng ngày, trên Quốc lộ 5, lượng khách từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên về Hà Nội tuy khá đông nhưng không xảy ra tình trạng kẹt xe. Trên Quốc lộ 1, hướng từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam về Hà Nội, giao thông chỉ bị ùn tắc cục bộ tại khu vực Ngọc Hồi, Văn Điển (huyện Thanh Trì). Trong khi đó, Quốc lộ 6 hướng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình về Hà Nội cũng khá thông thoáng.
Tại các bến xe lớn của thủ đô như Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm, lượng khách chiều 4-5 không nhiều, thậm chí nhiều xe vẫn còn chỗ trống khi vào bến.
Tuy nhiên, nhiều hành khách phản ánh bị nhà xe “chặt chém” do không mua được vé tại bến. Anh Vũ Văn Hậu, quê ở Nam Định, cho biết ngày thường đi từ Nam Định đến Bến xe Giáp Bát chỉ mất 70.000 đồng nhưng ngày 4-5, nhà xe thu đến 100.000 đồng.
Tuy tăng cường hơn 400 lượt xe buýt nhưng do lượng khách đổ về khá đông, nhiều người phải chen lấn hoặc chờ rất lâu mới có một chỗ đứng trên xe.
Trong khi đó, tại TP HCM, khác với những năm trước, khách rải rác đổ về TP khi chưa hết lễ nên sáng 4-5, các bến xe ở đây không quá tấp nập. Giao thông ở các cửa ngõ cũng không bị ùn tắc.
V.Duẩn - G.Minh
Bình luận (0)