Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM nhưng những ngày cuối tuần, quán cà phê Nghệ Thuật luôn đông nghẹt khách. Không chỉ đến nhâm nhi cà phê hay nghe tiếng chim hót, khách còn có thể chiêm ngưỡng những chiếc lồng chim được chạm trổ hết sức tinh xảo treo đầy quán. Nhiệt tình hướng dẫn khách tham quan và giải thích cặn kẽ ý nghĩa từng đường nét trên mỗi chiếc lồng chim là Châu “chạm” - chủ quán Nghệ Thuật.
Châu “chạm” là biệt danh mà giới nuôi chim cảnh ở TP HCM đặt cho Nguyễn Hoàng Châu. Chỉ mới bước sang tuổi 36 nhưng tên tuổi của anh đã nổi tiếng cả nước, thậm chí lan ra nước ngoài với ngón nghề độc đáo: Chạm trổ lồng chim. “Tài không đợi tuổi” - nhiều đại gia nuôi chim cảnh tại TP HCM nhận xét.
Tận mắt chứng kiến đôi tay tài hoa của Châu tỉ mẩn đục đẽo, chạm trổ những chi tiết nhỏ nhất trên miếng gỗ hay miếng ngà voi nhỏ, ta mới thấy được tay nghề điêu luyện của nghệ nhân trẻ này. “Đừng gọi tôi là nghệ nhân, kêu Châu “chạm” được rồi” - chủ quán Nghệ Thuật vò đầu bứt tai khi có ai đó nhắc đến hai chữ “nghệ nhân”.
Châu “chạm” và những chiếc lồng chim được chế tác công phu. Ảnh: vĩnh tùng
Châu là con thứ hai của nghệ nhân Nguyễn Văn Triệu, một bậc thầy đóng tủ thờ cao cấp ở Trà Vinh. Bỏ xứ lên Sài Gòn lập nghiệp, mong ước của ông Triệu là tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp và nuôi sống gia đình. Thuê một miếng đất nhỏ ở Gò Vấp vừa làm xưởng sản xuất vừa làm nơi tá túc, sáng ông đi làm công nhân cho một công ty sơn mài, chiều ở nhà đóng tủ thờ kiếm thêm thu nhập. Chứng kiến đôi tay ma thuật của cha và những người thợ cả khi chạm trổ hình rồng, phượng... trên tủ thờ, độc bình gỗ..., Châu như bị mê hoặc. Sau giờ học, Châu chỉ quanh quẩn ở xưởng, mượn đồ nghề đục đẽo, làm thử thanh kiếm, cái hộp hay chiếc ô tô bằng gỗ.
Thấy những sản phẩm đầu tay của đứa con trai duy nhất được đám trẻ con trong xóm đón nhận, ông Triệu không khỏi ngỡ ngàng. Năm Châu lên 10 tuổi, ông Triệu bắt đầu truyền nghề cho con. “Khi cha truyền nghề, tôi cũng chịu áp lực không ít, nhất là sợ anh em thợ chê hổ phụ sao không sinh hổ tử. Bởi vậy, tôi dặn lòng phải nhẫn nại để học hết kinh nghiệm từ ông già” - Châu bộc bạch.
Không phụ lòng “hổ phụ”, lại sẵn có khiếu và chí thú học hỏi nên Châu không mất quá nhiều thời gian để tiếp thu những kỹ năng cơ bản của nghề mộc. Khi vừa ngoài 20 tuổi, tay nghề của Châu đã được xếp ngang hàng với thợ cả trong xưởng.
Ngã rẽ nghề nghiệp của Châu “chạm” xuất hiện cách nay không lâu khi một khách hàng ở Đà Lạt đặt anh làm một lồng chim với yêu cầu rất khắt khe: Có độ tinh xảo cao và phải thể hiện được bản sắc dân tộc. “Chuyển từ đóng tủ gỗ sang làm lồng chim có độ vênh rất lớn. Làm lồng chim đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiến thức và tay nghề của người thợ. Giá trị hợp đồng rất lớn, thời gian giao hàng ngắn khiến tôi mất ăn, mất ngủ” - anh nhớ lại.
Lâu nay, Thập bát La Hán và Bát Tiên là hai mô-típ quen thuộc thường được các nghệ nhân chọn lựa khi chạm trổ lồng chim. Điều này khiến những chiếc lồng chim cứ na ná nhau, người nuôi rất mau chán. “Sao không mạnh dạn đưa lịch sử Việt Nam vào sản phẩm?” - một ý tưởng táo bạo thoáng qua và Châu “chạm” mạnh dạn thuyết phục khách hàng cho thực hiện. “Được rồi, miễn chú làm tốt!” - vị khách hàng gật đầu.
Từ nhỏ vốn mê truyện Thánh Gióng nên Châu quyết định đưa hình ảnh người anh hùng trẻ tuổi vào sản phẩm. Không học qua trường lớp mỹ thuật nên anh phải tự tay làm mọi thứ, từ thiết kế bản thảo chiếc lồng đến phác họa hình ảnh Thánh Gióng. Chi tiết chạm trổ nhỏ nên anh gần như quên ăn, quên ngủ để hoàn thiện. Đích thân ra tận Huế chọn loại tre quý để làm lồng cũng nói lên sự khắt khe trong nghề của anh.
Chiếc lồng chim hoàn thành với các đường nét chạm trổ tinh xảo - nhất là hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre diệt giặc hết sức sinh động, được ốp khéo léo hai bên sản phẩm - đã gây ấn tượng với khách hàng. “Mất 2 năm với bao tâm huyết cho đứa con tinh thần của mình nên khi được khách hàng đánh giá cao, hạnh phúc ngập tràn trong tôi” - Châu “chạm” hồ hởi.
Những thành công bước đầu đưa tên tuổi Châu “chạm” dần vươn xa. Mạnh dạn phá bỏ cách nghĩ cũ trong sáng tác, anh đã thành công khi tái hiện các thời kỳ lịch sử, những nhân vật hào hùng như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... vào sản phẩm. “Hoàn thiện một chiếc lồng chim không đơn giản, phải mất 5-6 tháng. Việc chạm trổ từng chi tiết nhỏ rất khó, đòi hỏi tay nghề cao ở người thợ. Nhiều chi tiết cũng phải làm thủ công, máy móc không thể thay thế. Nguyên liệu làm lồng chim rất khó tìm, nhất thiết phải là loại tre lồ ô lâu năm và gỗ pơmu. Nếu không có sự kiên nhẫn, óc sáng tạo thì người thợ khó thổi hồn vào sản phẩm” - anh tiết lộ.
Tinh tế, sắc sảo từng đường nét nên dù giá bán rất cao (40-50 triệu đồng/lồng chim), sản phẩm của Châu “chạm” vẫn được nhiều người đặt mua. Nhờ nét độc đáo ấy mà không chỉ khách hàng trong nước, ngay cả Việt kiều cũng rất ưa chuộng những sản phẩm do anh thực hiện.
Bình luận (0)