Ngày 10-11, Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc với các nội dung: biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)…
5.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng dự án Long Thành
Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thông qua với 89,88% đại biểu (ĐB) tán thành. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỉ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỉ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỉ đồng, vốn trong nước 820.000 tỉ đồng) và vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỉ đồng.
QH cũng tán thành bố trí 72.817 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới (43.119 tỉ đồng) và Giảm nghèo bền vững (29.698 tỉ đồng). Riêng dự án sân bay quốc tế Long Thành được chi 5.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, bố trí 80.000 tỉ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ: Đối với nguồn vốn trong nước - không bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ - việc bố trí thực hiện theo thứ tự ưu tiên: đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước; không dùng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31-12-2014; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP); bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Cuối cùng, trường hợp còn vốn sẽ xem xét cho các dự án khởi công mới.
“Về giải pháp thực hiện, sẽ tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn” - nghị quyết nêu rõ.
Thu cả triệu tỉ đồng từ đấu giá số xe, số điện thoại
Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng biển số xe và số điện thoại là tài nguyên có thể khai thác được ngay.
“Trong khi ngân sách còn khó khăn, nhiều ý kiến đề nghị huy động vốn trong dân nhưng chưa có đề xuất khả thi thì thực hiện đấu giá và cấp biển số xe, số điện thoại theo yêu cầu là việc nên làm vì đây là nhu cầu có thực. Số tiền thu được không nhỏ, nhà nước cũng không phải trả lãi hay vốn” - ĐB Bình Định nêu ý kiến.
Theo ông Cảnh, ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho số xe, số điện thoại sẽ lên tới cả triệu tỉ đồng. Bởi vậy, ông đề nghị bổ sung quy định số xe, số điện thoại… phát sinh sau này sẽ là tài sản công.
“Năm 2008, Nghệ An thí điểm đấu giá 1 biển số “tứ quý 9” thu được 700 triệu đồng. Tháng 10-2016, số điện thoại “6 số 8” của Viettel đấu giá thu được 1,6 tỉ đồng. Nếu chỉ tính 3 năm 2018-2020, chúng ta sẽ có thêm 1,8 triệu ô tô. Bình quân 1 biển số đẹp đấu giá, biển số cấp theo yêu cầu là 35 triệu đồng thì có thể thu về 45.000 tỉ đồng” - ĐB Cảnh dẫn chứng.
Góp ý về nội dung khoán xe công, ĐB TP Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai đánh giá đây là vấn đề dư luận rất quan tâm và nếu sử dụng tốt sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước nhưng dự thảo mới chỉ dừng ở mức nêu vấn đề. “Cơ chế chưa quy định rõ khoán xe là bắt buộc hay tự nguyện. Theo tôi, chỉ nên tự nguyện, không bắt buộc. Đối tượng áp dụng chưa xác định rõ là các chức danh nào. Thẩm quyền về mức khoán có nên giao Bộ trưởng Bộ Tài chính hay không vì hiện nay nhiều cơ quan cũng chủ động” - bà Mai nêu vấn đề.
Đối với vấn đề khoán nhà công vụ, ĐB Mai lưu ý các cơ quan xây dựng trụ sở tương đối đầy đủ, nếu khoán nhà công vụ thì ngân sách hằng năm sẽ phải chi một số tiền không nhỏ. Riêng vấn đề khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, ĐB Mai góp ý không nên cho thuê hội trường, phương tiện vận tải... chưa sử dụng hết công suất. Về bản chất, đây là thuê tài sản, khi đó nhiều cơ quan, tổ chức sẽ lợi dụng để kinh doanh thu lợi nhuận.
Về góp vốn kinh doanh, ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) đề nghị xem xét lại quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản để góp vốn kinh doanh. “Nếu là tài sản công thì chủ sở hữu là toàn dân, việc giao cho người đứng đầu toàn quyền quyết định vào mục đích góp vốn thì khi kinh doanh thua lỗ khó quy trách nhiệm cá nhân, nhà nước lại phải đứng ra trả khoản thua lỗ” - bà Tâm lưu ý.
Hỗ trợ pháp lý cho trẻ em và phụ nữ bị bạo hành
Thảo luận về Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình cần được trợ giúp pháp lý. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) dẫn thống kê: năm 2015, có 5.864 bị can là người chưa thành niên bị khởi tố, trong đó 93% từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. ĐB Xuân đề nghị cân nhắc mở rộng diện được trợ giúp pháp lý trong luật bao gồm cả người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội hoặc là nạn nhân.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) dẫn số liệu từ 2011-2015 có 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân nữ chiếm 74,24%. Theo ông, nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật.
Bình luận (0)