Hôm nay, 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng, huy động sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Phải tạo được niềm tin
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang QH ngày 31-10, đại biểu (ĐB) Phạm Phú Quốc (TP HCM), Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), bày tỏ đồng tình với định hướng đầu tư trong ngành giao thông giai đoạn 2016-2020 là hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam (nhánh phía Đông, dài 1.814 km theo hướng Quốc lộ (QL) 1); tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội - Cà Mau; QL 14 đoạn qua Tây Nguyên; bố trí một phần vốn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)… Đặc biệt, dự án chống ngập của TP HCM được phân bổ 9.100 tỉ đồng vay ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước. “Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, một doanh nghiệp, một người dân, tôi rất muốn những dự án này được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều này góp phần làm cho việc phát triển hạ tầng rất tốt nên không thực hiện trước cũng phải thực hiện sau. Tất nhiên, mong muốn là vậy nhưng câu hỏi đặt ra là có tiền làm hay không?” - ông Quốc nêu vấn đề.
Theo ông Quốc, dự kiến ngân sách cho kế hoạch đầu tư công 5 năm chỉ đáp ứng được 37%, phần còn lại huy động các nguồn lực xã hội. Nhưng từ trước đến nay, phân bổ ngân sách còn chưa phát huy được nguồn lực từ trong dân. “Ngân sách thì có giới hạn nhưng trong xã hội còn tiềm lực lớn, rộng. Cơ chế như thế nào để huy động được các nguồn lực xã hội này? Cái giỏi của Chính phủ là kêu gọi làm sao để có được niềm tin của người dân, để người ta bỏ tiền vào công cuộc phát triển đất nước, cùng có trách nhiệm và được hưởng gì từ cái mà người ta bỏ ra” - ông Quốc góp ý.
Đại biểu Lê Thanh Vân góp ý trong đầu tư công nên ưu tiên những dự án trọng điểm, cấp bách.Ảnh: NGUYỄN NAM
Ưu tiên dự án cấp bách
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá điểm đổi mới trong kế hoạch đầu tư công lần này là tập trung vào những công trình trọng điểm, có sức lan tỏa mạnh, kích hoạt cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác. “Đó là đổi mới căn bản về tư duy, phù hợp với năng lực nguồn vốn của mình hiện nay. Nhưng tôi có băn khoăn là ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn, cân đối thu chi nhiều năm qua chưa thực hiện được, hầu hết QH phải quyết định một tỉ lệ bội chi ngân sách. Do vậy, phải có kịch bản để điều hành linh hoạt, phân loại các công trình tập trung sức, hoàn thành theo kế hoạch và các công trình có thể hoàn thành trễ hơn trong trường hợp nguồn lực huy động không kịp để chủ động trong huy động vốn” - ông Vân hiến kế.
ĐB Vân cũng lưu ý quan điểm đầu tư công hàng năm sẽ phải cân đối theo nguồn thu, chia lộ trình trên cơ sở cái nào là trọng điểm, cái nào có sức lan tỏa lớn thì ưu tiên số 1; có sức lan tỏa kém hơn hoặc chưa đến mức trọng điểm thì xếp theo thứ tự lần lượt.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đánh giá nợ công của Việt Nam đã sát trần, ở mức cao so với các nước đang phát triển trong khu vực và cao so với thu nhập bình quân. Đặc biệt hơn, để bù đắp cho bội chi ngân sách, trả nợ, bình quân mỗi năm phải huy động vốn trên 400.000 tỉ đồng. Điều này gây áp lực đến cầu tiền tệ hằng năm. Do đó, theo ĐB Ngân, trong việc phân bổ vốn đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế phải đưa vào nội dung tái cơ cấu trong thu chi ngân sách, tái cơ cấu trong tư duy phân bổ ngân sách, để làm sao sử dụng vốn một cách hiệu quả theo trình tự ưu tiên.
Cần sự đồng thuận về nợ công
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ phải phát đi một thông điệp, rằng tình hình nợ công hiện nay rất cao, đến ngưỡng rồi nên đòi hỏi sự chia sẻ của 63 tỉnh thành, không được ỷ lại. Theo ĐB Ngân, nếu cứ nói các chỉ số đều an toàn thì tâm lý chi vẫn thoải mái; địa phương nào cũng cho rằng dự án của mình là cần thiết. “Tôi thấy Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm là giữ trần nợ công nhưng quyết tâm đó chưa đủ mà phải có sự đồng thuận ở 63 tỉnh, thành” - ông Ngân chia sẻ.
Bình luận (0)